Thành phố có 8 di sản thế giới
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết: Huế là địa phương duy nhất ở VN cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 6 di sản của riêng Huế bao gồm: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc - âm nhạc cung đình VN, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng (Cửu đỉnh) ở Hoàng cung Huế; và 2 di sản chung với các địa phương khác: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ.
Trong khoảng 1.000 di tích, danh thắng đang sở hữu, Thừa Thiên-Huế có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 101 di tích cấp tỉnh và 205 di tích đã được kiểm kê. Đây cũng là vùng đất có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú với gần 500 lễ hội, hàng chục làng nghề thủ công truyền thống, di sản ẩm thực đồ sộ với hàng nghìn món ăn cung đình, dân gian. Cố đô Huế còn nổi tiếng với các hệ thống di sản tư liệu phong phú, di sản cổ vật đặc sắc, đa dạng, trong đó đã có 9 nhóm với 35 cổ vật được công nhận bảo vật quốc gia…
Với địa hình đa dạng, Thừa Thiên-Huế còn sở hữu những di sản tự nhiên độc đáo: sông Hương, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn nhất Đông Nam Á, rừng quốc gia Bạch Mã với hệ động thực vật phong phú, đường bờ biển dài hơn 120 km với nhiều vịnh và bãi biển đẹp…
Không phát triển với mật độ dân số cao
Theo ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, mô hình đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh, không phát triển dân cư, nhà cửa mật độ cao, đô thị nén để giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển, tạo điều kiện cho Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước.
Ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết TP.Huế đang thay mặt cả nước thừa hưởng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, di sản cố đô Huế. Chính những giá trị văn hóa Huế, con người Huế tạo sự khác biệt trong quá trình hình thành và đi lên bền vững của vùng đất cố đô, là hồn cốt cho sự phát triển đô thị di sản.
"TP.Huế sẽ phát triển theo hướng đô thị di sản, ở đó mật độ dân cư vừa phải, có đô thị di sản là trung tâm kết nối với hệ thống đô thị vệ tinh, đô thị hiện đại và các thị trấn sinh thái được phân bố trên toàn tỉnh. Công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo và nền tảng 4 trung tâm sẽ là động lực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tri thức của đô thị Huế", ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.
Thách thức giữa bảo tồn và phát triển
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho rằng khi Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng một trong những thách thức lớn nhất chính là đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị. "Quá trình phát triển của Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị", ông Nguyễn Văn Phương cho biết.
"Một câu chuyện cụ thể là trong các cuộc họp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cơ quan liên quan, có rất nhiều ý kiến khác nhau về cách thức phát triển mà không làm tổn hại đến giá trị văn hóa của thành phố; có những đề xuất đầu tư dự án lớn, nhưng nhiều lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến các di tích và cảnh quan môi trường. Vì vậy, Huế một mặt đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, song luôn kiên định mục tiêu phát triển gắn với việc giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa, mặc dù điều này có ảnh hưởng làm hạn chế một phần đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh", ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Việc Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư không chỉ giúp một cố đô di sản khẳng định vững chắc vị thế mà còn giúp vị thế của người dân Huế được nâng lên. Dù mô hình phát triển thành phố có thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì việc cải thiện đời sống cho người dân vẫn là điều quan trọng nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương