Cảng chỉ nhộn nhịp như xưa trong vòng hai hoặc ba tháng mỗi năm, vào thời điểm xuất khẩu gạo. Vì vậy, du khách châu Âu, nếu không được báo trước, có thể lầm tưởng đây là một trong những vũng tàu tấp nập nhất Viễn Đông. Nhưng chỉ hết tháng 7 là tàu bè ngày càng hiếm. Bến cảng hoang vắng trở lại.
Sự thay đổi này do đâu? Tất cả những người được hỏi đều trả lời tôi rằng: những biểu thuế hải quan mới đã quét sạch vũng tàu chỉ sau một đêm; tiếp đó là các loại phí chồng chất và cắt cổ: phí hải đăng, phí neo đậu, phí hoa tiêu duy trì và gia tăng, dù việc nạo vét các rạn san hô chắn ngang kinh đào đã khiến vai trò của hoa tiêu trở nên vô cùng mờ nhạt từ lâu.
Dòng sông không có chướng ngại. Mọi nguy hiểm nằm ở biển, khoảng hai dặm ngoài khơi. Ở đó, nhiều bãi cạn trải dài khiến những thuyền trưởng lạ đường lo ngại. Nhưng các hoa tiêu đúng nghĩa là hoa tiêu sông Sài Gòn, không ra quá Vũng Tàu và mặc kệ những người mới đến tự xoay xở. Cuối cùng và như thể đổ thêm dầu vào lửa, chính sự mất giá của đồng tiền và sự hạ giá đột ngột của đồng bạc Đông Dương đã đảo lộn tình hình kinh tế trong xứ.
Ồ! Sự hạ giá của đồng bạc Đông Dương! Ở đây, người ta không nói về điều gì khác ngoài nó. Nó xuất hiện ở khắp mọi nơi, là đáp án của mọi câu hỏi. Anh kinh ngạc khi thấy ông chủ khách sạn kê thêm phí ư? - "Đồng bạc Đông Dương hạ giá, thưa ngài!". Cậu bồi khăng khăng đòi anh thêm tiền công ư? - Lại là đồng bạc Đông Dương, vẫn là đồng bạc Đông Dương.
Đồng tiền mất giá, thuộc địa có rất nhiều việc phải làm để kiếm đủ tiền chi trả; chính quyền buộc phải áp dụng các biện pháp khắc nghiệt. Và các nghị định nối tiếp nhau ra đời, tăng thuế cũ hoặc áp thuế mới: bắt buộc đóng dấu các văn bản ký kết giữa người bản xứ, dù trước đó chỉ cần ký tư là hợp lệ; tăng thuế khai thác và xuất khẩu gỗ; dự thảo một loại thuế xuất khẩu gạo mới…, nhưng những biện pháp này không hẳn để vực dậy hoạt động làm ăn đang đình trệ.
Cuối cùng, Nghị định ngày 30.12.1894 ban hành một loại thuế đánh vào… tem bưu chính. Kể từ ngày 1.1, giá tem đã tăng khoảng 60%. Một lá thư gửi sang Pháp, hôm qua chỉ phải trả 5 xen, thì hôm sau đã mất 8 xen. Kỳ cục nhất là, tem ghi số 25 nhưng từ nay trở đi sẽ bán giá 8 xen! Tem ghi số 15 cũng bán 8 xen và lặp lại đến hết xê-ri.
Sẽ đỡ rối hơn nếu nước Pháp noi gương nước Anh, cho áp dụng tại các thuộc địa ở Biển Đông sử dụng đồng Đông Dương và xen một mẫu tem đặc biệt có các mức giá tính bằng phần nhỏ của đồng Đông Dương thay vì bằng xăng-tim [centime].
Ban đầu, cách làm không ổn lắm. Khi đồng đô-la Mễ Tây Cơ [Mexico] hoặc đồng yên Nhật, tức là những đồng tiền đang lưu hành, còn ngang giá, công chúng dễ dàng hiểu rằng đồng 5 xăng-tim của chúng ta - hay thường gọi là xu - tương đương với 1 xen. Nhưng hiện nay, mọi thứ đều gây khó hiểu. Không thể phân biệt những con số mâu thuẫn này.
Mua tem ở Đông Dương là một việc dài hơi và hóc búa. Đội ngũ nhân viên bất hạnh phải khổ sở với những ba-rem mới, còn công chúng thì nôn nóng tại các quầy. Vì vậy, trong một phiên họp gần đây, Hội đồng thuộc địa đã phản đối gay gắt nghị định này; với tôi thì một nghị định - được thông báo bằng công điện ngày 31.12 để bắt đầu thực thi vào ngày 1.1 - có vẻ đang coi thường các công ước của Liên minh Bưu chính và văn phòng Berne.
Tệ nhất là hiện tượng mất giá có vẻ sẽ không dừng lại ngay. Thật vậy, người ta thông báo rằng chính quyền Anh vừa phê chuẩn một thỏa thuận giữa ngân hàng Chartered Bank of Australia and China, ngân hàng Hong Kong and Shanghai Corporation và Monnaie de Bombay, theo thỏa thuận này Monnaie de Bombay được phép rập nổi 4 triệu đô la theo kiểu đặc biệt (đô la Anh), nhưng có giá trị bằng đồng yên Nhật. Với nguồn tiền mới này, đồng bạc Đông Dương sẽ sớm giảm từ 2 fr. 50 (fr: phơ-răng) như hiện nay xuống còn 2 fr và thậm chí thấp hơn nữa.
Đúng là Kho bạc [Nha ngân khố] đang duy trì một tỷ giá kỳ cục và hoàn toàn hão huyền. Đối với Kho bạc và chỉ riêng Kho bạc mà thôi, đồng bạc Đông Dương vẫn có giá 2 fr. 70. Đây là tỷ giá dùng để thanh toán lương cho công chức.
Nhưng khi người vừa lĩnh tiền với tỷ giá 2 fr. 70 ở quầy A sang quầy B để gửi tiền về Pháp, người ta đòi anh, ngoài phí bưu phiếu, một khoản 6% phí chênh lệch giữa tỷ giá của Kho bạc và tỷ giá thương mại. Đúng lý ra, các sĩ quan và binh lính lục quân và hải quân, với mức lương được tính bằng phơ-răng phải được hưởng phần chênh lệch. Nhưng không; tỷ giá vô lý mà Kho bạc áp dụng khiến họ thiệt hại khoảng 5,5% trên khoản tiền mà họ nhận được nếu ở Pháp.
Còn nữa. Đối với lính bản xứ [lính tập An Nam], tỷ giá đồng bạc Đông Dương được duy trì ở mức 4 phơ-răng! Vì vậy, người có mức lương 20 phơ-răng không được lĩnh mức tương đương với tỷ giá hiện nay, tức 8 đồng bạc Đông Dương, mà chỉ được 5 đồng bạc. Và người ta sẽ trả lời đầy phách lối rằng mức sống của người bản xứ tăng không đáng kể.
Quả thực nhiều người đã phàn nàn về sự phân biệt đối xử này. (còn tiếp)
* (Nguyễn Quang Diệu trích từ cuốn sách Vòng quanh châu Á: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Hoàng Thị Hằng và Bùi Thị Hệ dịch, AlphaBooks - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và NXB Dân Trí ấn hành tháng 7.2024)