Tạo nền móng để tự do sống cuộc đời ý nghĩa
9 năm trước, chị Xinh quyết định khởi nghiệp từ một cửa hàng thời trang nhỏ. Thời điểm đó, chị vẫn làm việc toàn thời gian tại một công ty Hàn Quốc. Mỗi ngày, sau giờ tan sở, chị đến cửa hàng cần mẫn tới khuya. Chị tâm sự: "Những hôm không gửi được con cho ai, tôi phải đón con về cửa hàng. Mải sắp hàng hóa, chụp ảnh đăng bài, tư vấn khách, gói hàng... nên con nhỏ thường lủi thủi chơi một mình bên cạnh. Khi xong việc, giật mình nhớ tới con thì thấy con đang ngủ ngon lành giữa đống đồ ngổn ngang. Bất giác, tôi áy náy và tự hỏi mục đích cuộc sống là gì? Chẳng lẽ, mình sẽ mãi chạy theo vòng xoáy cơm áo gạo tiền của bản thân?".
Thay vì chọn sống an phận với công việc một ngày 8 tiếng rồi trở về mái nhà nhỏ của mình bên chồng con, chị quyết định rẽ sang một con đường đầy chông gai và thử thách. Đó là kinh doanh. Chinh phục ước mơ khởi nghiệp, chị chưa bao giờ hình dung mình sẽ xuất hiện trong những bữa tiệc của giới doanh nhân. Chị đơn giản mong sau này có thể nghỉ hẳn việc công ty để có thời gian đồng hành cùng con nhiều hơn và sống cuộc đời ý nghĩa.
Thiện nguyện là việc chị luôn muốn làm từ khi còn là một cô bé sống ở vùng quê nghèo miền Trung, nơi nắng cháy da vào mùa hè, lũ tràn bờ đê mỗi đông sang. Sinh ra và lớn lên trong nghèo khó cùng bão lũ, chị hiểu rõ sự thiếu thốn của các em bé vùng cao, chị càng hiểu tầm quan trọng của con chữ và sức mạnh của mẹ thiên nhiên. Chưa thực hiện được lời hứa với bản thân từ thuở nhỏ thì dù sống trong đủ đầy, chị vẫn luôn trăn trở, day dứt hằng đêm.
Thế nhưng không có thành công nào dễ dàng. Hết năm đầu tiên, chị thất bại vì không có kinh nghiệm, không có kiến thức kinh doanh, không có kỹ năng bán hàng hay làm quảng cáo… Dù vậy, chị không bỏ cuộc mà quyết tâm học chỉn chu và nghiêm túc để xây một nền móng vững chắc trước khi làm lại từ đầu. Chị khởi nghiệp một lần nữa và đạt được thành quả như hiện tại. Trong suốt 9 năm qua, chị luôn tự nhủ chị cần phải có một sự nghiệp đủ mang lại ổn định cho gia đình thì chị mới có thể duy trì công tác xã hội dài lâu và giữ được tâm sáng trước cám dỗ của lợi ích vật chất kèm hư danh. Có lẽ, chính khao khát được giúp đời của chị đã kéo chị vượt qua mọi chông gai trên con đường gập ghềnh.
9 năm bền bỉ khởi nghiệp, 6 năm kiên trì "cho đi"
Năm 2018, chị bén duyên với những hoạt động xã hội đầu tiên. Đó là các dự án trồng cây gây rừng, nấu cơm miễn phí, làm đường… Từ năm 2021, chị đảm nhận thêm vị trí phó chủ nhiệm CLB Từ Thiện Ánh Sao. Các hoạt động thiện nguyện của CLB tập trung hỗ trợ mảng giáo dục cho trẻ em, nhất là trẻ vùng cao. Một số dự án chính được hoạt động thường niên như: Cơm vùng cao - Vì em hiếu học, Áo ấm cho em, Xây trường vùng cao... đỡ đầu cho trẻ mồ côi đến năm 18 tuổi.
Chị tâm sự với tôi, nỗi lòng của chị những ngày đầu kêu gọi quyên góp ủng hộ cho các bé vùng cao trên mạng xã hội: "Nhiều người, trong đó có chính bạn bè của tôi, nói sau lưng rằng tôi sống bằng 'nghề từ thiện'. Có người còn thẳng thắn hỏi tôi nhận được bao nhiêu mỗi tháng khiến tôi thực sự bị sốc. Tôi đã vất vả cho đi không chỉ tiền bạc mà còn thời gian, công sức nhưng không được ghi nhận, trái lại còn mang tiếng xấu. Và tôi hiểu rằng chẳng thể bắt người khác nghĩ tốt về mình, chỉ có thể chọn sống đúng, sống sao cho mỗi ngày trôi qua thật nhẹ nhàng và bình an. Tôi tin thời gian sẽ trả lời tất cả. Hiện tại, tôi vẫn duy trì tốt cả việc kinh doanh và công tác thiện nguyện. Tôi cũng không còn nghe những lời đàm tiếu sau lưng mình nữa".
Chị rưng rưng kể lần chị tới thăm một điểm trường ở xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Từ trung tâm Đồng Văn, chị phải di chuyển bằng xe máy hơn một tiếng. Ngồi sau xe thầy cô, chị thót tim không dám nhìn con đường quanh co ngoằn ngoèo, một bên núi đá cheo leo một bên vực sâu thăm thẳm. Sau đó, chị phải đi bộ thêm 45 phút đường đồi mới tới điểm trường. Hôm ấy trời mưa, sương mù phủ kín, đất sình lầy lội, đến điểm trường an toàn, chị mới dám thở phào nhẹ nhõm. Mặc hai chiếc áo khoác cùng áo mưa bên ngoài nhưng chị vẫn lạnh tê tái. Vậy mà, vừa tới trường, trước mắt chị là một hàng các em bé nhỏ xíu đi chân đất, lưa thưa vài đôi dép tổ ong cũ đã mòn vẹt đế, lộ ra đôi chân lấm lem bùn đất đang đứng ngay ngắn đón đoàn. Chứng kiến cảnh ấy, chị nghẹn ngào xúc động, lòng càng thôi thúc phải làm gì đó cho các con nhiều hơn nữa.
Hiện tại, ngoài các dự án chính, CLB của chị đã kêu gọi hỗ trợ bàn ghế, bồn nước cho các điểm trường chịu ảnh hưởng sau bão Yagi.
Ngồi đối diện chị, tôi nhìn thấy trong mắt chị một ngọn lửa ấm áp, sáng rực khi chị kể về những dự án thiện nguyện, khi nhớ về chú vượn "si tình" mà các chị giải cứu và chăm sóc ở Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã hay khi kể về những đêm canh rùa đẻ trên bờ biển Ninh Thuận...
Gieo mầm thiện nguyện cho đời sau
Khi con còn nhỏ, chị đã gieo vào lòng con tình thương yêu với những người có hoàn cảnh khó khăn và ý thức gìn giữ môi trường từ những việc nhỏ nhất.
Chị nhớ hình ảnh con trai vác trên vai cây cuốc dài gấp đôi thân người băng qua đường rừng năm 2018. Khi ấy, con đang học tiểu học. Vậy mà con vẫn hì hục cuốc, đào, xới đất và tự tay trồng những cây xanh đầu tiên trong đời, dù các động tác còn lóng ngóng và vẫn cần sự trợ giúp của mẹ. Chị hạnh phúc vì đã lan tỏa được tinh thần "sống đẹp" tới những người chị yêu thương nhất. Chị cũng tin rằng từ đây sẽ luôn có ít nhất một người đồng hành bên chị. Đó là cậu con trai nhỏ nhưng rất hiểu chuyện và ấm áp.
"Mỗi ngày trôi qua, tôi đã sống hết mình và trọn vẹn. Chỉ là tôi hơi 'tham lam', muốn sống lâu hơn để làm nhiều việc nữa, muốn thấy thật nhiều nụ cười của những em bé vùng cao...", chị cười khi được hỏi điều gì làm chị thấy nuối tiếc nhất.
Vẫn biết không cần đợi giàu mới cho đi và chúng ta có thể cho đi theo khả năng của mình nhưng tôi học được ở chị Xinh lòng kiên trì với mục tiêu giúp đỡ nhiều mảnh đời nhất cho thể. Mà muốn nâng đỡ người khác thì đôi chân ta phải vững, đôi vai ta phải chắc nên tôi cũng sẽ cố gắng phát triển bản thân tốt hơn. Tôi cũng sẽ dạy con trai mình để con cảm nhận từng chút ý nghĩa của hành thiện từ tâm qua những việc thực tế như cách chị đã gieo hạt lành vào con trai và mọi người những năm qua.