Di tích Hải Vân quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân, nay nằm ở ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và TP.Đà Nẵng.
Công trình được xây dựng ở độ cao hơn 496 m so với mặt nước biển, gồm một cụm công trình đồn lũy, trong đó có cổng chính hướng về TP.Đà Nẵng. Trên cổng chính phía trước đề 3 chữ Hán "Hải Vân quan", phía sau đề 6 chữ Hán lớn "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" (cửa ải hùng vĩ nhất dưới gầm trời).
Theo tư liệu lịch sử, cửa được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826), ban đầu đặt một viên phòng thủ úy và biền binh thường trú, mỗi tháng một lần thay đổi phiên. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) thì tăng lên 2 viên phòng thủ úy, mỗi tháng thay đổi một lần, còn biền binh thì cứ 15 ngày thay đổi. Lại được triều đình phát cho "Bản vẽ hiệu cờ" của các nước ngoại dương để tiện theo dõi; được cấp ống nhòm thiên lý để quan sát ngoài biển xa, phát hiện thuyền nước ngoài vào cửa biển Đà Nẵng thì phải báo trước cho cửa quan này.
Hải Vân quan cũng được chạm trên Dụ đỉnh, một trong 9 đỉnh đồng tượng trưng cho sự thống nhất giang sơn của triều Nguyễn, hiện được đặt ở trước sân Thế miếu, cố đô Huế. Di tích Hải Vân quan được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2017. Các công trình di tích trên Hải Vân quan vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và TP.Đà Nẵng trùng tu tôn tạo và mở cửa đón khách, trở thành di tích quan trọng và điểm đến hấp dẫn.
"RANH GIỚI" CỦA MÂY NGÀN
Đối với giới trẻ và các "phượt thủ", chinh phục đèo Hải Vân vào những ngày thời tiết chuyển mùa là một trải nghiệm khó tả khi có thể với tay chạm vào mây ngàn mờ ảo.
Vào những thời khắc giao mùa, đèo Hải Vân phủ đầy mây trắng. Khung cảnh vừa mơ vừa thực như chốn bồng lai nơi trần thế này đã trở thành điểm đến của giới trẻ Huế và Đà Nẵng, để chạm vào những khoảnh khắc ảo ảnh kỳ thú của thiên nhiên.
Trào lưu săn mây trên đỉnh Hải Vân xuất hiện trong vài năm gần đây và đã nhanh chóng trở thành xu hướng của giới trẻ. Thời điểm săn mây trong năm diễn ra vào khoảnh khắc giao mùa cuối thu - đầu đông. Đèo Hải Vân thời điểm này trở thành một địa điểm sương giăng trắng trời mờ ảo lúc bình minh và xế chiều. Những thảm mây trắng mờ ảo mang theo hơi lạnh được gió lùa đi qua đỉnh đèo tạo nên không gian hư hư thực thực. Đôi khi hai người chỉ đứng cách nhau vài bước chân nhưng khi làn mây tràn qua lập tức đã không còn nhìn thấy nhau.
Trên đỉnh đèo khi mây ngàn che phủ cũng là lúc các bạn trẻ có thể ghi lại những khuôn hình ấn tượng. Không chỉ cảnh quan, hiện nay các hàng quán trên đỉnh đèo cũng đã "nhanh nhạy" tạo nên những điểm check-in thơ mộng. Chỉ cần ghé vào quán, thưởng thức ly cà phê ấm nóng với giá 20.000 đồng là có thể tha hồ check-in thắng cảnh với góc nhìn tuyệt đẹp.
Ngay giữa đỉnh đèo vào những ngày thời tiết chuyển mùa, nếu may mắn chúng ta còn được nhìn thấy đường ranh giới của thiên nhiên được vẽ ngay giữa tuyến đường, chia ra hai vùng khí hậu nam - bắc khác nhau. Đó là vào những ngày áp thấp, khi không khí lạnh từ miền bắc tràn vào, trên đỉnh đèo ngay giữa đường, thiên nhiên đã khéo vạch một đường thẳng, chia ranh giới giữa 2 bên. Bên phía Thừa Thiên-Huế thì mưa lạnh, ẩm ướt trong khi đó phía nam của TP.Đà Nẵng thì khô ráo, quang tạnh lạ lùng. Còn bầu trời thì phía bắc đèo Hải Vân sương giăng mờ ảo, phía nam nhìn về TP.Đà Nẵng lại trời quang mây trắng.
Những ai may mắn chứng kiến được khoảnh khắc này trong dịp săn mây sẽ có những trải nghiệm thú vị về sự kỳ thú của thiên nhiên. Đèo Hải Vân là một kỳ quan giữa đất trời mà người xưa đã tài tình khi đặt tên là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Hy vọng với công trình Hải Vân quan đã được trùng tu, nơi đây sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trên hành trình di sản miền Trung.