Gồm 2 tập với dung lượng gần 1.000 trang sách, qua việc tham khảo đa dạng tư liệu gồm các bộ sử lớn của triều Nguyễn cũng như hơn 10 năm sưu tầm folklore Bình Trị Thiên, tác phẩm đã tái hiện một cách trung thực bối cảnh lịch sử của một giai đoạn vô cùng biến động. Song song đó, nhà văn Trần Thùy Mai cũng mang đến một góc nhìn khác về những nhân vật phức tạp trong lịch sử như Phan Thanh Giản, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Trường Tộ, Đoàn Trưng…
Chia sẻ với Thanh Niên, nhà văn Trần Thùy Mai cho biết người Huế thường có xu hướng thiên về bảo tồn và phản ứng mạnh với những gì "khác xưa", do đó việc mở ra những góc nhìn mới về vụ án Công chúa Đồng Xuân cũng như có nhiều đề tài dễ gây tranh cãi (như phong trào Văn Thân, xung đột lương giáo…) ban đầu khiến bà có chút ngần ngại khi gửi dự thi. Nhưng giờ đây khi đoạt giải bà rất vui mừng, vì như vậy "nghĩa là đã thuyết phục được ban giám khảo của tôi, cộng đồng Huế cầu toàn và khó tính của tôi… Và thực ra Huế đã rất cởi mở, sẵn sàng lắng nghe những tiếng nói khác, trước hết là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật".
Nhà văn cho biết thêm: "Cuộc thi này tuy có phạm vi ở một thành phố, nhưng thành phố ấy lại là nơi hiện diện nhiều chuyên gia sử học triều Nguyễn, nhiều hậu duệ của hoàng tộc Nguyễn, nhiều nhà "Huế học"... Tác phẩm sẽ bị soi kỹ nhất ở đây! Bởi vậy giải thưởng của Huế đối với tôi là một bảo chứng, giúp tôi yên tâm rằng cuốn sách này đã được đón nhận như một tặng vật tốt đẹp, có thể đem lại niềm vui đồng thời mở ra những suy luận nghiêm túc về dân tộc, về lịch sử, về phận người".