Sau khi nghe ý kiến các sở, ngành, địa phương, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Ân giao Bảo tàng Đồng Nai đưa biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh vào danh mục di tích phổ thông trên địa bàn tỉnh; đồng thời bổ sung vào lộ trình xếp hạng di tích cấp tỉnh, giai đoạn 2020-2025.
Thời gian hoàn thành là trong năm 2024, để bước sang đầu năm 2025 thì triển khai thực hiện lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với biệt thự này.
Theo ông Nguyễn Hồng Ân, sau khi biệt thự Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh được xếp hạng di tích cấp tỉnh, Sở VH-TT-DL sẽ kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện lập dự án bảo tồn, trùng tu tôn tạo theo quy định.
Giữ lại biệt thự cổ sau khi dư luận lên tiếng
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, trong tháng 9.2024, dư luận đã lên tiếng về việc căn biệt thự của Đốc phủ sứ Võ Hà Thanh 100 năm tuổi, sắp tới "chỉ còn trong ký ức" khi cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phải phá bỏ khoảng 2/3 ngôi biệt thự do nằm trong phạm vi làm tuyến đường ven sông Đồng Nai.
Một số nhà sử học, nhà nghiên cứu dư luận cho rằng cần bảo tồn căn biệt thự 100 tuổi này, bằng cách nắn lại con đường; có người còn đề xuất giải pháp mời "thần đèn" dời căn nhà ra khỏi phạm vi giải tỏa...
Ngay sau đó, Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT-DL và UBND TP.Biên Hòa tiến hành khảo sát thực tế ngôi nhà để đánh giá hiện trạng và đưa ra quyết định cuối cùng.
Tại cuộc họp Ban thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Đồng Nai diễn ra vào ngày 26.9, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, sau khi nghe các đơn vị liên quan báo cáo, thảo luận, BTV Tỉnh ủy Đồng Nai quyết định giữ lại biệt thự cổ trên.
BTV Tỉnh ủy Đồng Nai giao cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc của căn biệt thự 100 năm tuổi. Bên cạnh đó, có giải pháp triển khai tuyến đường ven sông Đồng Nai theo đúng kế hoạch đề ra, bảo đảm các quy định của pháp luật.
Đề xuất 4 phương án bảo tồn
Một ngày sau chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Sở Xây dựng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề xuất 4 phương án bảo tồn.
Cụ thể, phương án đầu tiên là di dời biệt thự vào sâu bên trong. Tuy nhiên, do khuôn viên biệt thự không đủ không gian nên phải giải phóng mặt bằng hộ dân phía sau. Phương án này tốn nhiều thời gian và vấn đề pháp lý liên quan.
Phương án 2, nắn tuyến đường ven sông Đồng Nai. Phương án này không cần thu hồi thêm đất mà chỉ điều chỉnh lại thiết kế. Sở Xây dựng cho biết vẫn đảm bảo được tuyến đường sẽ cong mềm mại, không cua gắt, không thắt cổ chai.
Phương án 3, tổ chức đảo giao thông chạy quanh ngôi biệt thự, tương tự như cách bố trí giao thông nhà thờ Đức Bà ở TP.HCM. Phương án này vẫn phải giải phóng mặt bằng thêm khoảng 3.000m2 và điều chỉnh lại thiết kế, điều chỉnh quy hoạch.
Phương án 4 là làm cầu vượt. Phương án này cũng phải thu hồi diện tích đất lớn và chi phí xây dựng cao, thời gian kéo dài.