Trong một bức thư ghi đầu năm 1622, Pina nói rõ hơn việc truyền giáo và đặc biệt công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ tại Dinh Chiêm như sau: "Kính thưa cha, năm ngoái viết thư cho cha rằng tôi đã mua hai nhà của mẹ cô Gioanna tại Dinh Chiêm, mỗi nhà có ba căn, một nhà dùng để ở và nhà kia làm nhà nguyện. Mục đích của tôi là chúng ta nên có cơ ngơi của mình tại địa bàn rất quan trọng tại Vương quốc này để có thể dâng thánh lễ và gieo trồng nuôi dưỡng nhóm Kitô hữu tại đây... Trong mỗi nhà nên có ít nhất là ba thanh niên giúp việc vặt và để họ học ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như ngôn ngữ của ta... Trong những năm đầu, tôi đã dạy chú Anrê để chú làm thông ngôn cho cha Marques, thanh niên thứ hai là Phanxicô nhưng đã lớn tuổi... Về việc học ngôn ngữ, thì Dinh Chiêm là nơi tốt nhất, vì dinh Trấn thủ đặt nơi đây; người ta nói năng rất chuẩn và có nhiều thanh niên học trò qui tụ về, nên những ai bắt đầu học ngôn ngữ thì tìm được sự giúp đỡ nơi các học trò ấy... Ngôn ngữ này có cung điệu giống như cung nhạc, cần phải biết xướng cho đúng thanh điệu trước đã, sau mới học các âm qua bảng chữ cái... Về phần tôi, tôi đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và các thanh (cung điệu) của ngôn ngữ này; tôi hiện đang bắt tay vào ngữ pháp. Tuy nhiên, mặc dù tôi đã thu thập được các câu chuyện thuộc nhiều thể loại khác nhau để ghi trích dẫn các tác giả, hầu xác định ý nghĩa của các từ và mẹo luật ngữ pháp, thì cho đến nay tôi vẫn phải nhờ một người đọc để ghi ra bằng mẫu tự Bồ Đào Nha, hầu cho người của ta sau này có thể đọc và học thuộc lòng"... (Trần Duy Nhiên, Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1623, Roland Jacques, trang 92 - 105).
Như vậy, đến năm 1622, Pina đã soạn được một tập nhỏ ghi âm tiếng nói VN bằng mẫu tự Latin với các dấu để phân biệt thanh âm. Pina cũng bắt đầu nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt bằng cách trích dẫn các bản văn của tác giả VN. Tất nhiên đó là những bản văn bằng chữ Nôm mà Pina chưa đọc được, nên phải nhờ người đọc hộ.
Hai năm sau tức cuối 1624, Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) và Antoniô de Fontes tới Dinh Chiêm. Đắc Lộ kể lại: "Tại đây chúng tôi gặp cha Pina rất thông thạo tiếng bản xứ... Khi mới tới, nghe người địa phương nói, đặc biệt nữ giới, thì như nghe chim hót, tôi không hy vọng đến bao giờ mới học nói được... Chúng tôi thấy các cha Fernandez và Buzomi, bao giờ thuyết giảng cũng phải có thông ngôn, chỉ trừ cha Pina thì khỏi cần thông ngôn vì đã nói rất thạo... Tôi liền để hết tâm huyết học tập: mỗi ngày người ta (Pina?) cho bài tôi phải học và tôi đã chuyên chú học hỏi như xưa kia học thần học ở Roma vậy". Còn Fontes nói: "Nơi tôi tạm trú đây là Dinh Chiêm có ba linh mục định cư: linh mục Pina biết tiếng Việt khá lắm, làm bề trên và thầy dạy tiếng Việt, cùng Đắc Lộ và Fontes là thuộc viên và học viên".
Đắc Lộ có lẽ là học trò xuất sắc nhất của Pina, nên Lời tựa của Từ điển Việt Bồ La đã viết: "Trong công việc này ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm - thời gian tôi lưu trú tại hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài - thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn".
Thế là rõ ràng: Pina có công đầu trong việc sáng chế chữ Quốc ngữ và Đắc Lộ là người hoàn thiện chữ Quốc ngữ và xuất bản từ điển và sách giáo lý bằng Quốc ngữ. Vậy thì lịch sử chữ Quốc ngữ nên ghi thêm địa danh Dinh trấn Quảng Nam và danh nhân Francisco de Pina mới thật xứng đáng. (còn tiếp)
(Trích Tạp ghi Việt Sử Địa của cố học giả Nguyễn Đình Đầu do NXB Trẻ ấn hành)