Là cây bút viết về tuổi học trò nổi tiếng, đại sứ văn hóa đọc TP.HCM - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ tại buổi giao lưu của hội sách rằng ông vẫn nhớ như in những ngày… đói sách lúc còn nhỏ nơi quê nhà ở làng Đo Đo, TT.Hà Lam (Thăng Bình, Quảng Nam). Tác giả Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh kể: "Lâu lâu mới có người từ thành phố về quê cho vài ba cuốn sách, thế là các bạn cùng tôi mang đổi nhau đọc. Từ 3 cuốn ban đầu, bỗng dưng có thêm 6 - 7 cuốn đọc nữa, mừng lắm. Năm lên 18 tuổi vô Tam Kỳ, lần đầu tiên tôi bước vào nhà sách và cũng là lần đầu tiên ấy trong đời mới biết đến một nơi có nhiều sách đến thế. Nhà sách như ngôi đền thờ thiêng liêng hoa lệ, tôi chỉ biết đi lại rón rén, thở cũng không dám thở mạnh. Rất mừng là bây giờ thông qua những hội sách thiếu nhi, các bạn trẻ có thêm nhiều điều kiện mở mang kiến thức hơn ngày xưa chúng tôi nhiều lắm…".
Nhà văn - đại sứ văn hóa đọc TP.HCM Phương Huyền cũng thú nhận tuổi thơ chị rất thèm sách, mà ở quê xa lại không có thư viện. Tuy nhiên, nhờ người bố rất siêng năng đọc sách mà mới học cấp 1 - 2, Phương Huyền đã "hưởng ké" đọc luôn cả… những cuốn tiểu thuyết như: Ông tướng tình báo và hai bà vợ, Mảnh đất lắm người nhiều ma. Và rồi từ tình yêu mãnh liệt với sách được nuôi dưỡng từ bố, nhà văn Phương Huyền lại truyền tiếp cho con. Chị tâm sự: "Có hôm đi làm về giữa giờ chiều, tôi thấy con gái ngồi vừa sấy tóc, vừa cầm sách đọc. Cháu nói phải tranh thủ đọc một lèo để đến tối cho xong, vì tác phẩm mới hay quá. Sách bây giờ nhiều tác giả và NXB đầu tư công phu lắm, nội dung hấp dẫn, trình bày đẹp nên trẻ em rất khoái. Khi con trẻ tìm ra được điều mình thích qua sách, đã là thành công của người lớn. Theo tôi, sách chính là người bạn gần gũi, thân thiết nhất của tuổi thơ và kể cả chúng ta, mà các em nhỏ lại rất cần bạn đồng hành".
Á hậu 1 Hoa hậu VN 2020 Phạm Ngọc Phương Anh tiết lộ hồi nhỏ cô mê cún Bê tô của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. "Tôi là Bê tô, đó cũng là cuốn sách tôi đọc đầu tiên trong cuộc đời. Từ lời văn dễ thương của chú Ánh, tôi tưởng tượng ra bé cún Bê tô quá dễ thương cùng những câu chuyện hồn nhiên, trong trẻo, để rồi cứ đọc đi đọc lại hoài trong cả mùa hè. Tôi luôn biết ơn những trang sách hay của các nhà văn đã nuôi dưỡng, vun bồi tâm hồn mình như những người bạn tri kỷ của tuổi thơ", á hậu Phương Anh tâm sự.
THÊM "CÚ HÍCH" CHO VĂN HÓA ĐỌC
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM: "Xây dựng, phát triển văn hóa đọc là một trong những chủ trương quan trọng được TP.HCM kiên trì thực hiện, đầu tư trong nhiều năm liền. Đặc biệt, đối với thanh thiếu nhi, lãnh đạo TP càng dành sự quan tâm sâu sắc. Hội sách thiếu nhi vào các dịp hè là một trong những giải pháp triển khai thực hiện chủ trương đó của Thành ủy, UBND TP.HCM".
Trải qua 5 lần tổ chức (từ năm 2019 - 2024), mỗi hội sách thiếu nhi mang đến cho các em hơn 20.000 tựa sách hay,
gắn chủ đề năm với các hoạt động trải nghiệm từ truyền thống, dân gian đến trải nghiệm công nghệ mới. Năm nay có gần 100 chương trình diễn ra. Trong đó gồm 59 chương trình tại Đường sách TP.HCM và gần 30 chương trình tại Đường sách Thủ Đức, giới thiệu hơn 40.000 tựa sách đa dạng thể loại, phong phú dành cho thiếu nhi, hoạt động trải nghiệm hệ thống thiết bị kính thực tế ảo với các nội dung kiến thức về khoa học kỹ thuật, thư viện sách…
Đặc biệt, Ban tổ chức cũng công bố danh sách 5 thành viên Hội đồng chuyên môn gồm: nhà phê bình Bùi Thanh Truyền, đại sứ văn hóa đọc TP.HCM Quách Thu Nguyệt, nhà văn Bích Ngân, nhà thơ Cao Xuân Sơn và nhà thơ - đại sứ văn hóa đọc TP.HCM Lê Minh Quốc chấm Giải thưởng Sách thiếu nhi TP.HCM năm nay. Đây là những "cú hích" mới góp phần "tăng tốc" văn hóa đọc cho thiếu nhi trong thời đại phát triển tri thức.