Sau những cuốc xe malabar vô tận xuyên qua khuôn viên thành phố, người ta dừng chân trước một căn nhà "lộng gió" nọ, hoặc một căn nhà tránh được nắng, nhiều bóng râm mát kia.
Giao kèo giữa chủ nhà và người thuê cực kỳ đơn giản: không hợp đồng, không phức tạp; tiền thuê cố định bao nhiêu đồng bạc [Đông Dương, piastre] mỗi tháng đó.
Đồ nội thất thường được mua ở một tiệm buôn theo kiểu "đấu giá", một chữ mượn của người Anh. Trong các tiệm này trưng bày nội thất của những người sắp rời đi bán cho những người mới tới. Một ông cò đấu giá chủ trì cuộc mua bán và chỉ lấy một khoản hoa hồng nhè nhẹ.
Người môi giới này vốn không chỉ niềm nở mà còn được yêu mến hết sức, bởi trong thành phố này dân viên chức đến và đi như chuồn chuồn thấp nước; người này về Pháp nghỉ phép thì kẻ khác thuyên chuyển đi nơi mới, kẻ khác nữa lại đến thế chân họ. Có người cần thanh lý đồ đạc thật mau thì cũng có người cần mua thật chóng.
Tất cả những gì ta có thể tưởng tượng diễn ra ở buổi "đấu giá" là: ngựa và xe, tủ chè khảm trai và ngà, lư đồng Nhật Bản đủ mọi giá trị, đồ sành sứ cổ Trung Hoa, bình chum, màn trướng, đồ lụa Bắc kỳ…, mỗi sáng chủ nhật lại được tranh mua theo từng cú gõ búa.
Cuộc đấu giá này rất được ủng hộ; giới thượng lưu Sài Gòn tới tranh mua đồ mỹ nghệ và đồ Trung Hoa vì thị hiếu hơn là vì nhu cầu. Và thế là trong trò chơi này, những kẻ mạnh nhất thì lỡm người và rồi bị lỡm.
Đồ sứ dĩ nhiên là được ưa chuộng hơn cả. Chính Trung Hoa đã du nhập cho ta [Pháp] cái thị hiếu với đồ sành sứ. Ở thế kỷ 17, các giáo sĩ dòng Tên gửi về châu Âu những tiêu bản gốm Trung Hoa; và Nhật Bản cổ xưa đã khai sinh ra sành sứ Chantilly. Những người không đam mê đồ nội thất sẽ bỏ qua sàn đấu giá và chỉ tới tiệm mộc và tiệm mây tre của người Hoa, ở đó có đủ loại bàn ghế, bằng tre, bằng mây hoặc bằng gỗ nhẹ.
Nhưng nếu là lần đầu mua bán với người Hoa thì hãy cẩn thận nhờ một người bạn làm phiên dịch đặng không bị họ lợi dụng cái ngu ngơ của dân châu Âu. Bởi họ không nói được tiếng Pháp mà dân Pháp cũng chẳng biết nhiều tiếng Trung, thành ra người ta sẽ chỉ thỏa thuận bằng một ngôn ngữ ước lệ, nói theo kiểu bồi: "Moa muốn cái này"; nhưng quý vị chớ tưởng mọi sự đơn giản vậy nhé. Có vô số cách diễn đạt kỳ quặc mà người ta nói thật là nhanh, nhưng bạn nhất định phải biết để ngã giá hợp lý với những tay buôn sành sỏi này, và cũng để hiểu bồi An Nam phục dịch cho ta và để chúng hiểu ta muốn gì. Con dao cắt lông mồm nghĩa là dao cạo; Mấy giờ rồi nhỉ nghĩa là cái đồng hồ đeo tay, vân vân.
Một người mới đến sẽ không hiểu Y en a louksir camarade ça combien coûter là cái gì. Bạn phải học tương đối mới hiểu được rằng, nếu bạn không tin tưởng hoàn toàn, họ mời bạn đi hỏi giá ở một tiệm người Hoa khác và nơi ấy gian lận không kém gã lái buôn đang tiếp chuyện bạn đâu.
Ngay khi thỏa thuận xong, một đội quân "cu-li dọn nhà" luôn chờ chực được huy động, sẽ chất lên những chiếc xe kéo tay nào ghế dài, nào tủ, nào nệm… Thế là toàn bộ đồ nội thất mất khoảng hai mươi lăm đồng bạc, chưa tới một trăm franc.
Cu-li mau chóng chuyển đồ đạc vào nhà; họ dường như biết mọi căn nhà và không cần được chỉ đạo, cứ thế đặt bàn ghế vào đúng nơi cần đặt.
Ta chỉ cần mua vài món phụ kiện trang trí cho nội thất đơn sơ kiểu thực dân này và thế là xong phần bày biện. Treo thêm một ngọn đèn lồng kiểu Trung Hoa cháy suốt đêm ngay dưới hiên nhà ở lối ra vào. Không gì vui bằng hằng hà những đốm lửa nhỏ lấp lánh trong giấc điệp của khu vườn. Một căn nhà hoang lạnh sẽ đìu hiu biết bao nếu vắng đi ngọn đèn truyền thống này. (còn tiếp)
(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Le tour du monde năm 1893)