Năm 1874, ông Trương Vĩnh Ký được thế giới bình chọn là "nhà bác học về ngôn ngữ" khi thông thạo đến… 26 ngôn ngữ. Ngoài ra, Petrus Ký còn được xem là ông tổ nghề báo VN. Ông là người sáng lập tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên: Gia Định báo, ra mắt năm 1865.
Xây dựng trong khu đất của dòng họ, theo nhiều tài liệu, lăng Petrus Ký được chính ông thiết kế theo phong cách Đông Tây kết hợp (*).
Petrus Ký theo đạo Công giáo nên nhà mồ có mặt bằng hình chữ thập (kiểu mặt bằng phổ biến của nhà thờ Công giáo châu Âu). Ba cửa vào nhà mồ dạng vòm cuốn. Cột, tường xẻ rãnh ngang, có diềm trang trí… Trên cửa vào nhà mồ hướng đường Trần Hưng Đạo có hàng chữ tiếng Latin: "Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei" (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi). Trên cửa hướng ra đường Trần Bình Trọng có hàng chữ tiếng Latin: "Fons Vitae Eruditio Possidentis" (Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó).
Nét Á Đông thể hiện ở nhiều điểm. Cổng chính (phía đường Trần Hưng Đạo) thiết kế kiểu cổng tam quan thường thấy ở đình, chùa VN (cửa chính lớn ở giữa, hai cửa phụ hai bên, phía trên có 3 tầng mái lợp ngói). Nhà mồ có mái lợp ngói vảy cá, sống mái trang trí đắp nổi hình rồng cách điệu. Hai bên ô cửa có cặp câu đối chữ Nho. Trên trần nhà có hình con long mã (thân ngựa, đầu rồng) đầu ngoảnh về hướng đông…
Trong nhà mồ có bàn thờ và tượng bán thân Petrus Ký trong bộ áo dài, khăn đóng. Nơi đây có 3 mộ phần: ông Petrus Ký, vợ Vương Thị Thọ và con trai Trương Vĩnh Thế, tất cả đều được chôn dưới đất, lát phẳng với nền.
Trường chuyên Lê Hồng Phong (Q.5) trước đây mang tên Petrus Ký. Hiện ở Q.Tân Phú cũng có đường Trương Vĩnh Ký.
(*): Dựa vào tư liệu chung Việt - Pháp, nội dung các câu chữ Nho, chữ Latin trên công trình lẫn tính cách của học giả Petrus Ký, có giả thuyết khá hợp lý cho rằng nhà mộ được xây khoảng năm 1928.