Trong cuộc nói chuyện kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ, Jon Fosse cho rằng khi còn nhỏ, bản thân không hướng đến việc trở thành nhà văn. Cha ông khi ấy đảm đương một trang trại nhỏ của gia đình và quản lý cửa hàng trong làng, trong khi mẹ ông đảm nhận công việc nội trợ.
Fosse nhớ lại thời trẻ mình thích nhạc rock hơn là đọc sách. Thói quen nuôi tóc dài, buộc tóc đuôi ngựa và chơi guitar cho đến ngày nay vẫn còn hiện diện vốn dĩ xuất phát từ thời gian đó.
Thế nhưng ở tuổi 14, vì những lý do không thể giải thích, ông đã “ngừng chơi, thậm chí là ngừng nghe nhạc” mà tập trung hơn vào việc viết thơ cũng như truyện ngắn. Ông nói lối viết của mình nhịp nhàng, có sự lặp lại, như thể cố gắng duy trì mối liên hệ với quá khứ âm nhạc.
Trước đó, khi lên 7 tuổi, một tai nạn bất ngờ đã ảnh hưởng đến đời sáng tác của ông. Vào một ngày nọ, tại trang trại nhỏ của gia đình ở Strandebarm - một ngôi làng nằm giữa vịnh hẹp phía tây Na Uy, Fosse khi đang mang theo chai nước trái cây thì bị trượt chân bởi băng trong sân. Khi ông chạm đất, cái chai vỡ tan và mảnh thủy tinh cắt vào động mạch ở chỗ cổ tay.
Sau đó ông được cha mẹ đưa đến gặp bác sĩ, nhưng ngay lúc đó ông cũng trải qua trải nghiệm thoát xác. “Tôi thấy chính mình đứng từ bên ngoài”, ông cho rằng mình sắp chết, nhưng cũng nhận thấy một “loại ánh sáng lung linh”. Ông nói “mọi thứ đều rất yên bình” và đầy đẹp đẽ.
Sức hấp dẫn trong văn nghiệp Jon Fosse
Ông cũng cho biết thời thơ ấu chạm trán với cái chết đã ảnh hưởng đến tất cả tác phẩm, từ tiểu thuyết, kịch nghệ cho đến thơ ca. Trong diễn từ nhận giải, ông viết: “Tôi thường nói rằng riêng bản thân tôi có hai ngôn ngữ: những từ mà tôi viết ra bạn có thể hiểu, nhưng đằng sau đó cũng có một khoảng lặng nhỏ”. Và chính trong “ngôn ngữ im lặng” đó ý nghĩa thực sự có thể thay đổi. Ông nói, “chỉ trong sự im lặng này thì ta mới có khả năng nghe được tiếng Chúa”.
Đối với những người hâm mộ Jon Fosse, các khía cạnh tâm linh và hiện sinh là một phần chính tạo nên sự hấp dẫn trong văn nghiệp của ông. Anders Olsson, Chủ tịch Ủy ban Văn chương Nobel, nói rằng, cảm giác sâu sắc về điều không thể diễn tả được trong các vở kịch và tiểu thuyết của Fosse đưa người đọc đi sâu hơn vào trải nghiệm tâm linh.
Thông báo tháng trước rằng Fosse là người tiếp theo được xướng tên đã khiến một số độc giả tỏ ra bất ngờ. Bởi ông chỉ mới nổi lên thời gian gần đây trong thế giới nói tiếng Anh với những cuốn sách vừa được chuyển ngữ, trong đó bao gồm Septology (tạm dịch: Bộ bảy) được đề cử cho giải Sách quốc gia Mỹ và giải Booker quốc tế.
Cuốn tiểu thuyết ngắn A Shining nói về một người đàn ông lạc trong rừng tuyết và được an ủi bởi một ánh sáng bí ẩn, cũng được xuất bản ở Anh vào ngày công bố giải Nobel và sau đó ở Mỹ.
Tuy nhiên, ở châu Âu, Fosse đã là một ngôi sao trong nhiều thập kỷ, không phải nhờ tiểu thuyết mà là các vở kịch nghệ, và được so sánh với các tác phẩm của những vĩ nhân như Samuel Beckett, Henrik Ibsen. Chúng đa phần được dàn dựng công phu tại một số nhà hát danh giá.
Sarah Cameron Sunde, một nghệ sĩ sống ở Mỹ, người đã dịch các vở kịch của Fosse sang tiếng Anh và đạo diễn một số tác phẩm nói trên, cho biết, việc khán giả Mỹ vẫn chưa “công nhận” Jon Fosse có lẽ xuất phát từ các chủ đề thường xuyên xuất hiện trong các vở kịch. Đó là cảm giác về sự cô đơn, khao khát kết nối và sự suy tính về cái chết thông qua tự sát.
Mặc dù viết rất đều tay, thường là một cuốn sách mỗi năm, nhưng sự nghiệp của Fosse chỉ thực sự khởi sắc vào giữa những năm 1990 khi ông chuyển hướng sang sân khấu.
Milo Rau, một trong những đạo diễn sân khấu nổi tiếng nhất châu Âu, nói rằng vào đầu những năm 2000, thế giới sân khấu ở một số vùng ở châu Âu đã bị thu hút bởi “sự cường điệu của Fosse”. Rau nói: “Khung cảnh nhà hát bị choáng ngợp bởi tâm hồn, sự tối giản, nghiêm túc và đầy u sầu của anh ấy". Ông nói thêm rằng các vở kịch của Fosse “có cảm giác hoàn toàn mới mẻ”.
Trong diễn từ nói trên, Fosse cũng nhắc đến nỗi sợ về việc đọc to lên một văn bản trong thời thơ ấu. Ông kể trong một lần nọ khi được yêu cầu đọc một văn bản, ông đã chạy ra khỏi lớp và nói mình phải đi vệ sinh. Lúc ấy chính nỗi sợ hãi đã lấy đi mất ngôn ngữ của ông, vì thế sau này viết lách mang lại cho ông “cảm giác an toàn” và “trái ngược hẳn với nỗi sợ hãi”.
Jon Fosse cũng thảo luận về quá trình viết của bản thân mình. Ông nói: “Khi tôi viết, tại một thời điểm nhất định, tôi luôn có cảm giác rằng chính văn bản này đã được viết rồi, ở đâu đó ngoài kia chứ không phải bên trong tôi và tôi chỉ cần viết nó trước khi những ý tưởng ấy biến mất”. Ông cũng nói thêm Septology không có một dấu chấm nào “không phải là một phát minh”, mà là yêu cầu bức thiết trong nội tại văn bản.