GS Cao Huy Thuần sinh năm 1937 trong một gia đình trí thức Phật tử thuần thành tại Thừa Thiên- Huế. Ông học ĐH Luật Sài Gòn (1955-1960), giảng dạy học tại ĐH Huế (1962-1964).
Ông tham gia tranh đấu chống đàn áp Phật giáo của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm năm 1963, xuất bản báo Lập Trường.
Năm 1964, ông du học tại Pháp; bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Paris (1969) và làm giáo sư tại ĐH Picardie, Cộng hòa Pháp, sau đó làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về cộng đồng châu Âu tại ĐH Picardie.
Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế - cho biết, GS Cao Huy Thuần là trí thức Phật tử có nhiều đóng góp cho Phật giáo và văn hóa Việt Nam, ông cũng là giáo sư từng thỉnh giảng một số chuyên đề tại học viện... nên hiện tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế đang chờ thông tin chính thức từ gia đình để tổ chức tưởng niệm GS Cao Huy Thuần tại Huế.
GS Cao Huy Thuần là tác giả nhiều cuốn sách đậm triết lý nhân sinh được độc giả yêu mến như: Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta, Tôn giáo và xã hội hiện đại, Nắng và Hoa, Thế giới quanh ta, Thấy Phật, Nhật ký sen trắng, Sợi tơ nhện.
Mới đây nhất, khi hay tin nhà thơ Nguyễn Duy và nhóm "Tâm Phật" tổ chức tuần lễ thơ thiền vào tháng 4.2024, tại cố đô Huế, GS Cao Huy Thuần đã gửi thư chúc mừng. Trong bức thư, GS Cao Huy Thuần đã viết: "Kinh Pháp Hoa có kể chuyện một ông cha để lại cho con một cái áo trong túi có giấu một viên ngọc. Đứa con không biết mình có của quý, cứ đi ăn mày. Ta có một gia tài văn hóa huy hoàng, có thơ hay, mà tôi cứ đi ăn mày Dogen. Cả thế giới chỉ biết Dogen. Văn hóa Nhật tràn lan thế giới. Còn văn hóa ta là gì? Nay, không còn. Xưa, không biết. Cám ơn các anh chị đã moi cái túi áo rách của lão ăn mày...!".
Đó cũng là trăn trở, thao thức của GS Cao Huy Thuần, một trí thức luôn mong mỏi đóng góp cho quê hương, phát huy "tài sản" văn hóa Việt Nam.