Đặc sắc lễ hội chùa Keo - Thái Bình

15:25 - 29/02/2024

Lễ hội chùa Keo mùa xuân diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 13 - 16.2). Năm nay, lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa tâm linh đặc sắc và khác biệt hơn.

 

Lễ hội chùa Keo mùa xuân được tổ chức từ ngày 13 - 16.2 tại ngôi chùa Keo cổ kính hơn 400 năm tuổi tại xã Duy Nhất, H.Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

 

 

 

 

 

Đặc sắc lễ hội chùa Keo - Thái Bình

Từ sáng sớm, du khách đã ùn ùn kéo về chùa Keo

Từ nhiều năm nay, nơi đây trở thành điểm du xuân quen thuộc của nhiều người dân địa phương cũng như du khách các tỉnh.

Đặc sắc lễ hội chùa Keo - Thái Bình

Du khách đến lễ hội chùa Keo du xuân, vãn cảnh chùa và cầu bình an trong năm mới

Ngay từ sáng sớm nay 13.2, hàng ngàn du khách từ các nơi kéo về, tỏa khắp các điểm tại chùa Keo để vãn cảnh chùa, cầu sức khỏe, bình an cho người thân trong năm mới.

Đặc sắc lễ hội chùa Keo - Thái Bình

Càng về trưa, du khách đến chùa Keo mỗi lúc một đông

Anh Nguyễn Quang Thạch (40 tuổi, sinh ra và lớn lên tại làng Keo, xã Duy Nhất; hiện sinh sống tại TP.Hải Phòng) chia sẻ: "Dù xa quê đã 24 năm nhưng tôi vẫn giữ nguyên truyền thống nơi mình sinh ra. Mỗi năm, sau những ngày bộn bề vất vả, tôi cùng vợ, con trở về quê chúc tết bố mẹ, người thân, đến ngày mùng 4 tết tôi lại cùng vợ con đến làng Keo đi lễ, cầu sức khỏe và may mắn cho người thân trong gia đình".

Cùng mong muốn cầu phúc đầu xuân, bà Nguyễn Thị Là (65 tuổi, thường trú tại Hà Nội), cho biết rất vui khi trong thời tiết những ngày đầu xuân thật đẹp, bà được con trai và con dâu cùng đi trẩy hội chùa Keo để cầu an và du xuân, vãn cảnh chùa.

Sáng 13.2, ngay sau lễ khai mở cửa đền Thánh là phần hội với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc.

Theo ông Nguyễn Hữu Khang, Trưởng ban Khánh tiết, mở màn lễ hội chùa Keo mùa xuân là Lễ Khai chỉ mở cửa đền Thánh được tổ chức trang trọng theo nghi lễ cổ. Lễ Khai chỉ có sự góp mặt của các bô lão và nhiều thế hệ tiếp nối của làng Keo như là một sự bảo lưu, trao truyền những giá trị truyền thống của nơi đây.

Lễ hội có nhiều trò chơi dân gian độc đáo như: trống hội, thi bắt vịt, múa rối nước, hát giao duyên… và trò chơi chạy giải, thổi cơm thi.

Đặc sắc lễ hội chùa Keo - Thái Bình

Trò chơi chạy giải, thổi cơm thi, một trong những trò chơi thu hút sự quan tâm của du khách

Trong đó, trò chơi chạy giải, thổi cơm thi là một trong những trò chơi giải trí gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp. Hội thi thổi cơm thi gồm 2 công đoạn: chạy giải và thổi cơm. Mỗi nhóm sẽ cử 2 người có sức khỏe, nhanh nhẹn và sức bền tốt tham gia thi chạy giải. Các thành viên phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn trong từng công đoạn từ kéo lửa đến thổi cơm.

Đặc sắc lễ hội chùa Keo - Thái Bình

Chuẩn bị cho cuộc thi thổi cơm

Trò chơi này có sự góp mặt của những thanh niên trai tráng, khéo léo trong làng Keo để làm ra mâm cơm dâng lên lễ Thánh. Đây là một trong những cuộc thi thu hút sự quan tâm, theo dõi hào hứng, phấn khởi của du khách thập phương, tạo tinh thần, khí thế phấn khởi, hứa hẹn một năm nhiều thuận lợi và may mắn.

Đặc sắc lễ hội chùa Keo - Thái Bình

Có 4 đội tham gia thi thổi cơm

Bên cạnh đó, phần hội còn diễn ra nhiều hoạt động sôi động, hấp dẫn, như biểu diễn múa rối nước của phường rối nước Nguyên Xá (Đông Hưng) vào tối mùng 4, mùng 5 tết; khai bút đầu xuân; liên hoan văn hóa làng; giải cờ tướng; giao lưu các câu lạc bộ chèo…

Đặc sắc lễ hội chùa Keo - Thái Bình

Cả nhóm cùng đoàn kết để cùng nhau tạo ra lửa để nấu cơm

Đây cũng là lần đầu tiên rối cạn chầu Thánh, khai bút ban chữ đầu năm được tổ chức tại lễ hội chùa Keo.

Đại đức Thích Thanh Quang, trụ trì chùa Keo, chia sẻ: điểm nhấn của lễ hội năm nay là trò rối cạn chầu Thánh được phục dựng và trình diễn sau mấy chục năm bị gián đoạn, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của người dân địa phương và du khách.

Cùng đó, khai bút ban chữ cũng được tổ chức lần đầu tiên qui mô tại lễ hội chùa Keo mùa xuân. Du khách tham dự sẽ được mừng tuổi vở, bút và được ban chữ mình mong muốn…

Nghệ thuật hát múa rối đầu gỗ chầu Thánh là loại hình nghệ thuật dân gian thực hành nghi lễ hầu Đức Thánh Đại thiền sư Từ Đạo Hạnh, tương tự nghệ thuật Hầu bóng trong thực hành nghi lễ của Tam phủ, Tứ phủ. Đây là tổng hòa của 3 môn nghệ thuật: ca, vũ, nhạc đặc biệt nguyên sơ, không bị lai tạp các nghệ thuật khác và không bị phôi phai theo thời gian.

Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh, nghệ thuật này cũng phản ánh được tâm tư nguyện vọng của những người dân vùng lúa nước là mong muốn đất nước thanh bình, có vua sáng tôi hiền, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ hạnh phúc, con em được học hành, mọi tầng lớp trong xã hội thân ái, hòa thuận cùng chung vai chống thiên tai địch họa.

 
 

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

sctvonline Trang tin nhịp sống hôm nay
scj-shopping Truyền hình cáp SCTV

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...