Năm 2001, Thu Trang được mấy người bạn rủ thi vào Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Ừ thì đi, nhưng thật tình cô chỉ mê phim Hồng Kông, có biết kịch cọt gì đâu, đi cho "có tụ". Vậy mà cuối cùng đám bạn rớt hết, Thu Trang đậu.
Chủ nhiệm lớp khi đó chính là nghệ sĩ Minh Nhí, cũng từng là thầy của Việt Hương, Thúy Nga. Ông thầy có tài "nhìn người", nhắm đứa nào theo hài được là trúng phóc đứa đó. Thầy Minh Nhí "coi giò coi cẳng" thấy con nhỏ Thu Trang ốm tong teo, mặt xương xương, coi mòi không làm đào chánh được, mà năm thứ hai diễn tiểu phẩm thấy rất duyên, như vậy đi theo hài có thể chắc ăn hơn. Thu Trang hụt hẫng: "Trời, vô học sân khấu ai cũng mơ những vai lớn, vai để đời, bi kịch, làm trái tim khán giả day dứt, thổn thức, bứt rứt. Giờ thầy kêu tui làm hề??? Huhu hổng chịu đâu". Nhưng cuối cùng thấy ông thầy mình nổi tiếng quá xá, cô gái suy nghĩ thôi kệ, mình nổi tiếng như ổng cũng được. Ở cái tuổi còn chút ngây thơ, cô chấp nhận hết sức đơn giản. Không ngờ, đó thực sự là định hướng đúng đắn dành cho Thu Trang.
Thu Trang nổi tiếng suốt mấy chục năm không chỉ trên sân khấu, mà lấn sang cả phim ảnh. Thoạt đầu diễn ở Nhà hát Kịch TP.HCM, rồi chuyển sang 5B, Phú Nhuận, Nụ Cười Mới, tay nghề chị chưa hẳn đã bật sáng ngay. Có lần còn bị khán giả đuổi vô, khiến chị bỏ luôn tấu hài, mà tập trung vào vở dài để có đồng nghiệp hỗ trợ. Từ đó chị suy tư hơn: "Đừng bao giờ chủ quan với năng khiếu của mình, mà phải khổ công rèn luyện thì mới làm nghề lâu dài".
Thật sự Thu Trang tỏa sáng nhất là giai đoạn về với sân khấu Thế Giới Trẻ. Có lẽ đây là lúc tuổi đời, tuổi nghề đều đã chín, Thế Giới Trẻ lại có những kịch bản phù hợp khí chất của chị, nên chị bộc lộ mạnh nhất những ưu điểm của mình. Trong lúc nhiều nghệ sĩ rất ngại kịch dài vì "nuôi" nhân vật không dễ, thì ngược lại, Thu Trang phát huy duyên hài cao nhất trong những vở kịch dài, thậm chí không chỉ ra diễn hài cho vui, để điểm xuyết cho vở, chị còn thể hiện cả nhân vật có số phận, tâm lý, tính cách, đúng chất kịch, đầy đặn, ấn tượng. Có những vai còn là vai chính nữa. Vai chính đầy thương cảm, mà vẫn gây tiếng cười, chứng tỏ Thu Trang không chỉ biết "làm hề" cho qua.
MẶT NGHIÊM MÀ KHÁN GIẢ CƯỜI
Thu Trang vào vai bà Trâm trong vở Bí mật nhà xác rất nghiêm túc. Vở diễn lên án nạn làm tiền trong một số bệnh viện, cán bộ y tế câu kết với bọn xấu chèn ép người nhà bệnh nhân, khi người ta chết rồi còn bị chúng "móc túi" một cách tàn nhẫn. Bà Trâm là y tá trưởng, tham gia đường dây dịch vụ này, và giả làm ra những trò ma quỷ để lừa dọa người. Nhân vật nghiêm túc từ đầu đến cuối, mặt khó đăm đăm, có khi lại còn hung hiểm đáng sợ. Ấy vậy mà Thu Trang vẫn cài được mảng miếng vào, khán giả bật ra tiếng cười rất tự nhiên. Nhiều vở khác, Thu Trang có thể quậy tưng, ồn ào, sinh động, nhưng lần này chị thử sức với một vai khác hẳn, nhờ vậy chứng minh được đẳng cấp, trong tình thế nào cũng có thể hài được, mà vẫn không gây lấn cấn, không phô, không phá nhân vật. Chị không tham diễn, chỉ điểm xuyết một số mảng miếng thôi cũng đủ làm cho bà Trâm thành độc lẳng.
Về sau, nghề càng chín, Thu Trang càng tiết chế, không tham diễn, không diễn nhây, mà vào đúng trọng tâm nhân vật, gây ấn tượng vui và đẹp. Vở Bao giờ mẹ lấy chồng, Thu Trang đóng vai má Xuân, người phụ nữ lỡ thì hy sinh tuổi trẻ gắn bó với ngôi nhà nuôi trẻ mồ côi, nuôi một bầy con không cùng máu mủ mà thương yêu như ruột thịt. Má Xuân gánh nặng trên vai nên không phải là dạng người "chí cha chí chóe", nhưng má Xuân của Thu Trang vẫn tung miếng dễ thương khiến người ta cười lộn ruột. Bản lĩnh là ở chỗ đó. Nhân vật không phải hài, nghệ sĩ có muốn chêm hài cũng phải khéo léo kẻo phá hư tính cách nhân vật. Thu Trang đã cho má Xuân một lăng kính đẹp lung linh, khi thì nghiêm, khi lại tức cười, uyển chuyển giữa hai đầu vui buồn để cuối cùng má chịu nhận lời cầu hôn của anh "phi công trẻ". Đúng là "phi công lái máy bay bà già" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng khán giả ưng bụng vô cùng, vì nhận ra trong đó có tình thương thật sự, tình yêu chân thành, sự rung động không phải từ nhan sắc, tuổi trẻ, mà từ nhân cách đẹp, sự tận tụy, chăm lo cho những phận đời thiệt thòi. Thu Trang lên sân khấu với trang phục giản dị đúng với hoàn cảnh người nuôi trẻ mồ côi, không được hỗ trợ từ trang phục lẫn trang điểm nên chị chỉ có thể tỏa sáng bằng chính nội lực của mình. Khán giả ra về còn mãi dư âm một người phụ nữ "đẹp" khiến người ta có thể cười mà vẫn rưng rưng cảm động.
Đi từ tấu hài đến những nhân vật hài có số phận quả là một đoạn đường không đơn giản.