Những bước ngoặt cơ duyên
Nói chuyện với Nghĩa khi nào cũng thấy vui, có cảm giác rất "đã". Tôi lần đầu tiên gặp Nguyễn Hữu Nghĩa (41 tuổi) khi đi tập pickleball ở sân Rudal (TP.Thủ Đức). "Đánh đường banh đi nhanh như điện", tôi hay nói với anh em khi thấy Nghĩa thi đấu.
Thật ra, Nghĩa vốn là dân tennis. Quê ở tỉnh Minh Hải, năm 1996 tách thành tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, thì nhà Nghĩa ở Bạc Liêu. Có năng khiếu thể thao từ nhỏ, 10 tuổi, Nghĩa được tập tennis. Công việc đầu tiên của những năm tháng ấy, là… lượm banh.
Người đầu tiên dạy cho Nghĩa biết chơi tennis, là thầy Tạ Trung Tâm, hiện còn ở Bạc Liêu. Sự cố gắng và được thầy chỉ dạy tận tình ngay từ nhỏ đã giúp Nghĩa sớm có những kết quả tích cực.
14 tuổi, Nghĩa vô địch tennis thanh thiếu niên toàn tỉnh, trở thành một trong những vận động viên top đầu lứa tuổi này ở miền Tây. Trong 2 năm tiếp theo, Nghĩa thi đấu tennis thanh thiếu niên toàn quốc, lọt vào danh sách 16 tay vợt mạnh. Bây giờ nhắc lại chuyện này, Nghĩa trân trọng: "Thầy Tâm là sư phụ đầu tiên của mình. Hồi đó thầy dạy cho mình miễn phí".
Bước ngoặt mới đầy cơ duyên khi Nghĩa lên TP.HCM, sau tuổi 18. Theo phụ dạy tennis với cựu vô địch Việt Nam Lâm Thiện Thanh (tay vợt Việt Nam đầu tiên dự SEA Games sau năm 1975), một việc quen thuộc với Nghĩa, lại là… lượm banh.
Nghĩa chia sẻ rằng, khi ấy là lính, là đệ của thầy, thẩy banh cho thầy dạy, được thầy thương nuôi, cho ăn, cho ở… "nhưng nhờ có thầy Thanh, sư phụ thứ 2 mới được tham gia thi đấu các giải lớn và có đạt một số danh hiệu bán chuyên".
Sau 2 giai đoạn "lượm banh", Nghĩa khởi nghiệp kinh doanh, mở shop thể thao nhưng khoảng 3 năm sau thì sang lại. Chuyển sang nghề mới, với Nghĩa, là rất đỗi tình cờ. Năm 2015, một học viên tennis kêu Nghĩa đi trông coi giúp thợ làm sân tennis. Thật không ngờ, không lâu sau, Nghĩa "lấn sân" sang lĩnh vực làm sân tennis, cầu lông, bóng rổ, mái che các loại…
Nghĩa kể: "Đi coi thợ làm, mình học lóm (tự để ý học mà không để người khác biết), thấy không khó lắm. Có anh bạn làm xây dựng bảo mày làm đi, có gì tao giúp. Vầy là thử làm và làm đến nay. Bây giờ mình có thể tự tay làm được nhiều việc sơn, kẽ, hàn gò… ".
Nghĩa không nhớ hết đã làm bao nhiêu sân tennis, bóng rổ, cầu lông và công trình mái che trong gần 10 năm qua, mà chỉ nhớ đã từng đến thi công cho các tập đoàn, trường học, công ty, hộ gia đình ở nhiều tỉnh thành Tây nguyên, miền Trung, miền Nam…
Cảm nhận về Nghĩa, anh Nguyễn Hoài Nam, một học viên tennis lớn tuổi hơn Nghĩa, chia sẻ: "Học ở Nghĩa kỹ thuật tennis là phải rồi, nhưng hơn hết là cái tánh ham học hỏi, dám làm, kiên trì vượt khó và không bỏ cuộc".
Pickleball, Pronex và ước muốn tương lai
Hôm tháng 1.2024, Nghĩa đã cùng với Thành "Gò Vấp" vô địch đôi nam trình 7.5 Giải Pickleball DKN Open ở sân Kỳ Hòa (Q.10, TP.HCM) do á quân cầu lông quốc gia năm 2019 Đặng Kim Ngân đứng ra tổ chức. Năng khiếu tennis từ nhỏ giúp Nghĩa "chơi được" pickleball, môn thể thao đang "bùng nổ" ở Việt Nam.
Nhưng đó là chuyện chơi. Nghĩa còn có thế mạnh làm sân, phát triển dụng cụ tập luyện, thi đấu pickleball chuyên nghiệp.
Là ông chủ của Công ty TNHH xây dựng thể thao Tín Nghĩa (TP.Thủ Đức, TP.HCM), Nghĩa đã xây dựng và đang sở hữu, phát triển thương hiệu Pronex (vợt, giày, áo quần, túi xách, bóng… chơi picklball) với phương châm "hàng chất lượng cao, giá tầm trung". Hồi tết, tôi chọn mua giày, vợt pickleball Pronex để tập, giờ mới hay thương hiệu đã được đăng ký bản quyền này là của "cậu bé nhặt banh tennis".
Nhiều người bảo Nghĩa nhanh, nhạy, ham học hỏi… Tôi nhận thấy Nghĩa còn có sự tinh tế và giàu cảm xúc. Tên gọi Pronex là do Nghĩa tự nghĩ ra. Nghĩa giải thích, "pro" là chuyên nghiệp, "nex" là tiếp nối. Pronex là liên tưởng tới sự chuyên nghiệp tiếp nối…
Thật ra, đó không chỉ là chuyện câu chữ. Pronex là ước muốn tương lai của Nghĩa. "Mình cố gắng tự tạo dựng, làm chuyên nghiệp để thương hiệu đi lên. Thương hiệu ấy để lại cho con mình, sau này phát triển thêm nữa. Nếu không thì cũng có thể sống được", Nghĩa tâm tình.
"Nghĩa bây giờ đỉnh rồi, vừa lo phần cứng (làm sân), vừa lo phầm mềm (dụng cụ tập luyện thi đấu thể thao, nhất là pickleball, tennis)…, đều đáp ứng được hết. Rồi còn được nhiều nơi chọn tổ chức tour pickleball kết hợp du lịch nữa (giải pickleball and travel)", tôi nói vui. Nghĩa bảo "đi từ khổ lên, chỉ biết luôn cố gắng".
Tin vui với thương hiệu Pronex, là vừa qua một số đối tác ở Ấn Độ đã liên hệ Nghĩa để đặt hàng, và Nghĩa đã nhiều đợt chuyển giao hàng qua đường hàng không. Nghĩa còn nhiều kế hoạch mới mẻ về sản xuất phụ kiện, dụng cụ thể thao "nhưng mới làm được 90%, khi làm xong 100% sẽ kể".
Tố chất khéo léo, bền bỉ của người Việt rất hợp với môn thể thao pickleball (kết hợp kỹ năng chơi bóng của tennis, cầu lông và bóng bàn) để vươn tầm thế giới. "Cậu bé nhặt banh" Nguyễn Hữu Nghĩa luôn tâm huyết và mong muốn rằng cộng đồng người chơi pickleball Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận và chơi trên sân đạt chuẩn quốc tế về độ nảy banh và có thể giảm tối đa nguy cơ chấn thương khớp gối.
Mục tiêu trong thời gian tới đây của Nghĩa là có thể góp phần hỗ trợ cho cộng đồng pickleball Việt Nam, những nơi vẫn còn nhiều hạn chế về điều kiện sân chơi cho người chơi pickleball.