Các sự kiện thể thao lớn trên thế giới, từ EURO đến World Cup hay Olympic, vấn đề bản quyền luôn được đặt lên hàng đầu. Trước hết là để đảm bảo quyền lợi cho những nhà tổ chức, các đơn vị tài trợ và các cơ quan truyền thông trong việc đưa hình ảnh của các giải đấu này đến với người hâm mộ, tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ. Bên cạnh đó còn giúp cho các sản phẩm trí tuệ này được bảo chứng, được sử dụng một cách khoa học và chuyên nghiệp, tránh bị xâm phạm bất hợp pháp. Chính vì thế bản quyền từ truyền hình đến báo chí luôn được siết chặt. Không mua bản quyền thì không được cung cấp hình ảnh đại hội. Đó là lý do vì sao Đông Nam Á chỉ có VN và Lào không có bản quyền truyền hình Olympic do không bỏ tiền ra mua từ đầu.
Khi chúng tôi đến Paris, việc đầu tiên là BTC xem thẻ đăng ký ban đầu của chúng tôi có phù hợp với tiêu chí cấp hay không, vì có những trường hợp các quốc gia có số lượng VĐV tham dự ít thì hoạt động báo chí bắt buộc cũng bị "đóng khung" trong vài thẻ, chứ không cấp tràn lan. Mà thẻ thì cũng có phân biệt giữa phóng viên (PV) ảnh và PV viết, trong đó cấp cho PV ảnh ít hơn. Lý do là các điểm thi đấu đều giới hạn số lượng người xuống sân, nên chỉ có vài nhà báo mang thẻ dành cho PV ảnh (EP) được hoạt động dưới sân, còn PV viết (E) phải ở trên khán đài và cũng không được di chuyển nhiều để tác nghiệp. Cá nhân người viết may mắn được Ủy ban Olympic VN hỗ trợ nên đăng ký được thẻ EP, được chụp ảnh cũng như ra vào các khu vực báo chí để tác nghiệp.
Thế nhưng nếu chụp ảnh mà còn quay clip, dù bằng phương tiện gì, cũng bị nghiêm cấm. Ngày đầu tiên thi đấu môn bắn cung, xem Đỗ Thị Ánh Nguyệt thi đấu xong, chúng tôi tranh thủ chạy đến khu vực trả lời phỏng vấn của VĐV để quay lại hình ảnh phát biểu. Khi chúng tôi đang tác nghiệp thì 2 thành viên của BTC đến đề nghị không được quay clip và yêu cầu xóa ngay vì vi phạm bản quyền, đồng thời chụp lại thẻ để báo về trung tâm báo chí. Sau vài phút, một thành viên khác của BTC tới nói nếu vi phạm một lần nữa sẽ bị tịch thu thẻ tác nghiệp Olympic.
Thật ra đây không phải là chuyện mới nhưng nó được chi tiết hóa rất nhiều sau mỗi kỳ Olympic. Năm 2016 ở Rio (Brazil), khi Hoàng Xuân Vinh giành HCV, chúng tôi đã đưa máy lên quay cảnh chào cờ, hát Quốc ca và phỏng vấn Vinh. Lúc ấy, chúng tôi cũng bị "tuýt còi", nhưng không bị đề nghị xóa clip. Thậm chí thành viên BTC còn hướng dẫn chúng tôi vào phía trong hậu trường và đưa thầy trò của đội bắn súng VN ra để phỏng vấn.
CHẠY CÁC ĐIỂM THI ĐẤU BẰNG METRO
Do vấn đề an ninh được siết chặt nên BTC đã giới hạn xe cộ lưu thông trên đường phố Paris, kể cả xe của quan chức làm nhiệm vụ, xe chở VĐV đi thi đấu hay xe cho giới báo chí di chuyển. Thay vào đó, BTC Olympic 2024 khuyến khích mọi người đi lại bằng tàu điện ngầm (metro). Phải nói là hệ thống metro của Paris cực tốt, các bảng chỉ dẫn đến các địa điểm thi đấu rất rõ ràng, chỉ cần chịu khó xem là có thể di chuyển hợp lý và nhanh. Ngay ngày đầu tiên đặt chân đến Pháp, chúng tôi đã chọn phương tiện này và đúng là từ điểm thi đấu này đến điểm thi đấu khác ở Paris chỉ cần đi metro hoặc kết hợp thêm RER (loại tàu nhanh) là có thể di chuyển một cách thoải mái.
Dù vậy chúng tôi cũng đã gặp khó khăn khi điểm thi đấu môn bắn súng ở quá xa, cách Paris hơn 250 km, mà BTC không bố trí xe đưa giới truyền thông đi (cũng là do lo ngại an ninh). Nhưng nếu tự di chuyển bằng xe lửa hay xe buýt thì cũng không thể đến được trường bắn Chateroux vì nằm ở cách trung tâm vùng này hơn 20 km. Trong những ngày xem Trịnh Thu Vinh đấu chung kết 2 nội dung súng ngắn, chúng tôi phải dùng xe riêng và đi lòng vòng mất khá nhiều thời gian. Khi đến nơi phải qua nhiều lớp an ninh, thậm chí phải đi bộ từ ngoài vào gần 2 km.
Nhựng dẫn chứng này cho thấy bất cứ đại hội nào cũng có mặt này mặt kia. Và chính những điều này đã mang lại nhiều trải nghiệm khó quên ở kỳ Olympic này.