
Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin trong lần gặp nhau vào năm 2018 Ảnh: AFP
Sức ép quân sự lẫn kinh tế
Đài ABC hôm qua (15.7) đưa tin ông Trump cũng đe dọa sẽ áp đặt "thuế quan rất nghiêm trọng" đối với Nga nếu không có thỏa thuận hòa bình với Ukraine trong vòng 50 ngày. Ông Trump cho biết thuế quan có thể lên tới 100%. Kèm theo đó, Mỹ có thể thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quốc gia mua dầu thô của Nga. Trước đó, chủ nhân Nhà Trắng thông báo sẽ gửi các hệ thống tên lửa phòng không Patriot cùng nhiều loại vũ khí uy lực khác cho Ukraine. Dù ủng hộ kế hoạch của Nhà Trắng, nhưng châu Âu cho rằng thời hạn 50 ngày là quá lâu.
Trong khi đó, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày 15.7 thông báo Tổng thống Putin sẽ đưa ra quyết định về cách đáp trả ông Trump. Mặt khác, ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Nga, tuyên bố "Nga không quan tâm" động thái mới của phương Tây và "châu Âu hiếu chiến đã thất vọng".
Trong phân tích gửi đến Thanh Niên, Eurasia Group (Mỹ), đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, đưa ra nhận xét về việc Tổng thống Trump quyết định chuyển các hệ thống tên lửa Patriot và nhiều loại vũ khí uy lực khác cho Ukraine. "Để lách không cần Quốc hội phê chuẩn, trong bối cảnh việc ủng hộ Ukraine đang gây tranh cãi trong các nghị sĩ, Tổng thống Trump thông báo Washington sẽ bán vũ khí cho các đồng minh NATO, sau đó các nước này sẽ chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Gói vũ khí này cũng có thể bao gồm cả tên lửa tầm xa", phân tích trên nêu ra và nhận định: "Đây hoàn toàn là tin xấu đối với Nga - bên dường như đang hy vọng rằng các cuộc không kích liên tục sẽ phá vỡ thế bế tắc quân sự và buộc Ukraine phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán ngừng bắn sau này".
Tương tự, trả lời Thanh Niên ngày 15.7, chuyên gia tình báo quân sự Mỹ Carl O.Schuster (từng đứng đầu đơn vị tình báo quân sự NATO ở vùng Balkan) cũng đánh giá việc Mỹ cung cấp hệ thống tên lửa Patriot góp phần bảo vệ Ukraine trước các cuộc tấn công tên lửa của Nga.
Cựu đại tá Schuster phân tích thêm: "Việc Nga gần đây tăng cường tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine là nhằm phá vỡ tinh thần và ý chí chính trị của Kyiv. Có thể, động thái này để giải quyết một số thách thức từ chính nội bộ của Nga". Chính vì thế, hệ thống Patriot có thể giúp Ukraine đánh chặn tên lửa Nga để hóa giải ý đồ của Moscow.
Thế cuộc mới
Theo chuyên gia Schuster, Tổng thống Trump muốn chiến tranh kết thúc để ông có thể tập trung sự chú ý và nguồn lực của Mỹ vào các "điểm nóng" khác như Trung Đông và quan trọng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vị chuyên gia tin rằng Nhà Trắng sẽ còn gia tăng sức ép về kinh tế với Điện Kremlin.
"Tổng thống Trump đã cố gắng tranh thủ Tổng thống Putin theo đuổi giải pháp hòa bình và gây áp lực lên Ukraine. Nhưng thay vì tìm kiếm một lệnh ngừng bắn và tham gia đàm phán, Moscow đã tăng mức độ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa, đồng thời mở rộng mục tiêu sang các mục tiêu dân sự. Vì vậy, Washington tăng cường cung cấp vũ khí cho Kyiv và gia tăng áp lực kinh tế lên Moscow cũng như các quốc gia thân hữu với Nga như Trung Quốc, Belarus, Iran và có thể sẽ là cả CHDCND Triều Tiên", cựu đại tá Schuster đánh giá.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng: "Tổng thống Putin sẽ không tìm kiếm đàm phán ngay lập tức, nhưng Moscow sẽ đề nghị tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn với hy vọng thuyết phục Washington đình chỉ các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn và giảm mức độ vận chuyển vũ khí cho Kyiv. Chưa thể đánh giá liệu điều đó có đủ thuyết phục chủ nhân Nhà Trắng hay không. Nhưng có lẽ Tổng thống Trump muốn chiến sự chấm dứt ngay lập tức và không còn kiên nhẫn với chiến thuật trì hoãn của Moscow".
"Chúng ta sẽ có 6 tháng để theo dõi diễn biến mới. Có lẽ, Moscow đã đặt cược quá nhiều vào cuộc xung đột Ukraine, mà chỉ khi Nga bị sụp đổ về kinh tế hoặc đối mặt các rủi ro. Tôi không nghĩ Putin đã cam kết sự tồn vong của chế độ mình vào việc chinh phục Ukraine. Chỉ có sự sụp đổ kinh tế hoặc những tai họa khác đe dọa sự cai trị của ông ta mới khiến ông ta từ bỏ mục tiêu đó", chuyên gia Schuster dự báo.
Tổng thống Zelensky cải tổ chính phủ
Hôm qua (15.7), Reuters đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 14.7 đã yêu cầu Phó thủ tướng thứ nhất Yulia Svyrydenko lãnh đạo chính phủ mới. Nhà kinh tế học Svyrydenko (40 tuổi) giữ chức Phó thủ tướng thứ nhất từ năm 2021 và đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán gần đây về một thỏa thuận khoáng sản với Mỹ.
Đồng thời, Thủ tướng Zelensky đề xuất Thủ tướng đương nhiệm của Ukraine là ông Denys Shmyhal đảm nhiệm vị trí bộ trưởng quốc phòng, với lý do ông Shmyhal có đủ năng lực cho một vị trí rất quan trọng.