Tổng thống Trump ngày 23.5 cảnh báo sẽ áp thuế ít nhất 25% cho bất kỳ điện thoại iPhone nào bán trên thị trường Mỹ nhưng lại sản xuất ở nước ngoài. Dự kiến khung thời gian áp dụng có thể rơi vào cuối tháng 6.
Tháng trước, trả lời phỏng vấn Đài CBS, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho rằng công việc của hàng triệu nhân công gắn từng ốc vít nhỏ để sản xuất iPhone cần được đưa về Mỹ và tiến hành tự động hóa. Bộ trưởng cho rằng hướng đi này sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động lành nghề như thợ cơ khí và thợ điện nội địa.
Tuy nhiên, trao đổi với Đài CNBC sau đó, ông Lutnick cho hay ông Tim Cook, Tổng giám đốc Apple, nói rằng hiện vẫn chưa có công nghệ thay thế nhân công làm những động tác đòi hỏi sự tỉ mỉ. "Ông ấy cho biết cần phải có các cánh tay rô bốt, hoạt động ở quy mô và độ chính xác đến mức có thể mang iPhone quay về sản xuất ở Mỹ", theo ông Lutnick.
Bên cạnh thách thức về kỹ thuật, kế hoạch của Tổng thống Trump còn đối mặt những trở ngại pháp lý. Cách nhanh nhất để chính quyền Washington gây áp lực cho Apple là dùng biện pháp thuế quan giống như cơ chế trừng phạt hàng hóa nhập khẩu trên diện rộng, Reuters dẫn lời các luật sư thương mại và giáo sư Mỹ.

Cửa hàng Apple ở TP.New York (bang New York, Mỹ) ngày 23.5 ẢNH: REUTERS
Cơ chế trừng phạt được thi hành dựa trên Đạo luật quyền hạn kinh tế khẩn cấp quốc tế, theo đó cho phép Tổng thống Mỹ đưa ra những biện pháp kinh tế để ứng phó những mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng cho Mỹ từ nước ngoài. "Không có cơ sở pháp lý rõ ràng nào cho phép áp thuế quan đối với từng công ty cụ thể. Thế nhưng, chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể viện dẫn quyền hạn khẩn cấp để đạt được mục tiêu của mình", luật sư Sally Stewart Laing của Hãng luật Akin Gump ở Washington D.C, phân tích với Reuters.
Tuy nhiên, áp thuế quan đối với Apple đồng thời mang đến lợi thế cạnh tranh cho các đối thủ của nhà sản xuất smartphone của Mỹ, từ đó gây ảnh hưởng cho mục tiêu của Tổng thống Trump. Bên cạnh đó, ước tính phải mất khoảng 1 thập niên để đưa các dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ, đồng thời chi phí sản xuất có thể lên đến 3.500 USD/điện thoại. Trong khi đó, giá bán lẻ của dòng iPhone 16 Pro Max hiện là từ 1.200 USD.
Lần gần đây nhất một nhà máy sản xuất điện thoại mở cửa ở Mỹ, nơi này đóng cửa trong vòng 1 năm. Tờ Financial Times lưu ý vào năm 2013, Motorola tuyên bố muốn thách thức quan niệm cho rằng sản xuất điện thoại tại Mỹ là quá đắt đỏ và mở cửa nhà máy ở TP. Fort Worth (bang Texas). Sau 12 tháng, Motorola buộc phải đóng cửa cơ sở trên vì chi phí cao trong khi doanh số gây thất vọng.