Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (14/12) nhất trí mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine và Moldova, hướng tới lần mở rộng đầu tiên sau hơn một thập kỷ.
Liên minh châu Âu đã xác định việc mở rộng là “một khoản đầu tư địa chiến lược cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng”. Tuy nhiên tiến trình này chưa bao giờ dễ dàng do hàng loạt tiêu chí về về dân chủ, kinh tế thị trường và pháp quyền.
Trong số những quyết định đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong năm của Liên minh châu Âu, đáng chú ý có việc nhất trí mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine. Đây là một quyết định gây bất ngờ bởi cho đến ngay trước thời điểm diễn ra cuộc họp, Hungary vẫn cho thấy sự phản đối mạnh mẽ đối với hồ sơ của Ukraine.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã ca ngợi đây là “một thời điểm lịch sử”: "Đây là một thời điểm lịch sử và nó cho thấy uy tín và sức mạnh của Liên minh châu Âu. Quyết định đã được đưa ra. Chúng tôi nhất trí mở các cuộc đàm phán với Ukraine và Moldova. Điều này thực sự quan trọng. Chúng tôi muốn hỗ trợ Ukraine. Đó là một tín hiệu chính trị rất mạnh mẽ cho thấy Liên minh châu Âu đứng về phía người dân Ukraine. Và quyết định này của các quốc gia thành viên là vô cùng quan trọng đối với uy tín của Liên minh châu Âu".
Về phần mình, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo nhấn mạnh: “Các cuộc đàm phán đã có thể bắt đầu và thông điệp rất rõ ràng. Chúng tôi đứng về phía người dân Ukraine và sự thống nhất của Liên minh châu Âu là không thay đổi, ngay cả vào thời điểm khó khăn nhất”.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi thoả thuận là một chiến thắng cho Ukraine và toàn bộ Liên minh châu Âu dù quá trình từ khi bắt đầu đàm phán đến khi Ukraine trở thành thành viên EU có thể mất tới nhiều năm.
Tuyên bố Granada được thông qua tại Tây Ban Nha hồi tháng 10 vừa qua xác định: “Mở rộng EU là một khoản đầu tư địa chiến lược cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng”. Tuy nhiên tiến trình này chưa bao giờ là dễ dàng bởi không mấy quốc gia có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về dân chủ, kinh tế thị trường và pháp quyền của Liên minh châu Âu. Các cuộc khủng hoảng nợ, làn sóng di cư, Brexit và sự trỗi dậy của làn sóng hoài nghi châu Âu cũng góp phần khiến Liên minh châu Âu trở nên e ngại trong việc mở rộng hàng ngũ trong những năm gần đây. Trên thực tế, kể từ sau lần gia nhập của Croatia năm 2013, khối vẫn chưa thể kết nạp thêm bất kỳ thành viên mới nào.
Đối với trường hợp Ukraine, nước này nộp đơn xin gia nhập EU một tháng sau khi xung đột với Nga nổ ra và giành được tư cách ứng cử viên chỉ 3 tháng sau đó, một tốc độ nhanh nhất trong lịch sử EU. Tuy nhiên, việc liệu Ukraine có đủ sức vượt qua con đường dốc để gia nhập EU hay không lại là vấn đề khác. Ukraine có dân số 44 triệu người và lớn hơn bất kỳ thành viên EU nào về mặt địa lý. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Ukraine thấp hơn 1/3 mức trung bình của EU xét về sức mua. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã vắng mặt tại cuộc bỏ phiếu hôm qua và tuyên bố sẽ không thay đổi lập trường đối với vấn đề kết nạp Ukraine.
Các nhà lãnh đạo EU cũng đang tranh luận về ngân sách của khối trong bối cảnh một số quốc gia thành viên phản đối việc đóng góp thêm. Đây là một lời nhắc nhở nữa về những thách thức mà EU phải đối mặt nếu chấp nhận thành viên mới, những nước có thể chiếm một phần đáng kể trong chi tiêu ngân sách của khối.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...