Chỉ còn hơn 1 ngày làm việc, các nhà đàm phán tại hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP28) ở Dubai vẫn còn bất đồng quan điểm về vai trò tương lai của nhiên liệu hóa thạch. Câu hỏi về việc có nên chấm dứt “thời đại dầu mỏ” hay không đã trở thành chủ đề tranh luận gay gắt, đe dọa nguy cơ Hội nghị bị sa lầy vào những tranh cãi và không đạt kết quả như kỳ vọng.
Liên minh gồm hơn 80 quốc gia trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc đảo nhỏ đang thúc đẩy 1 thỏa thuận bao gồm ngôn từ “loại bỏ dần” dầu, khí đốt và than đá. Liên minh châu Âu nhắc lại quan điểm việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch là một phần thiết yếu của bất kỳ thỏa thuận nào nhằm ngăn chặn điều tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Các quốc đảo nhỏ dễ bị tổn thương về khí hậu cho biết việc từ chối đề cập nhiên liệu hóa thạch tại COP28 sẽ đe dọa toàn thế giới.
Đại diện Quần đảo Marshall nhấn mạnh nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng và mức giới hạn tăng nhiệt độ 1,5 độ C là không thể thương lượng. Bộ trưởng Môi trường Samoa, Cedric Schuster tuyên bố, những mục tiêu tham vọng về năng lượng tái tạo không thể thay thế cho cam kết mạnh mẽ hơn về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên quan điểm này vấp phải sự phản đối gay gắt của Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh. Lần đầu tiên Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais can thiệp vào Hội nghị khí hậu khi gửi thư cho các thành viên và những nước ủng hộ yêu cầu phản đối bất kỳ ngôn từ nào nhắm vào nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận COP28. Nước sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC là ARập Xêut, cùng với Nga và các nước khác, lập luận rằng trọng tâm của COP28 là giảm lượng khí thải chứ không phải nhắm vào các nguồn nhiên liệu gây khí thải.
Cao ủy EU về khí hậu Wopke Hoekstra đã chỉ trích nỗ lực của OPEC nhằm làm chệch hướng thỏa thuận COP28 về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, gọi động thái của OPEC là "vô ích" và "không phù hợp".
“Chúng ta cần loại bỏ dần hóa thạch. Đây sẽ là sự khởi đầu cho sự kết thúc của hóa thạch. Đây là thời điểm của trách nhiệm và thời điểm cần lắng nghe khoa học. Hãy đảm bảo rằng khoa học là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta. Chúng ta cần phải loại bỏ nhiên liệu hóa thạch càng sớm càng tốt. Chúng ta có công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon nhưng đó chỉ là phần nhỏ. Hiện tại, không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm lượng khí thải và loại bỏ dần hóa thạch”, ông Hoekstra nói.
Đặc phái viên khí hậu hàng đầu của Trung Quốc, Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) mô tả hội nghị năm nay là khó khăn nhất trong sự nghiệp của ông và rằng thỏa thuận đạt được tại COP28 chỉ có thể coi là thành công nếu bao gồm sự đồng thuận về nhiên liệu hóa thạch.
Văn bản đàm phán mới nhất được công bố cho thấy các nước vẫn đang xem xét một loạt lựa chọn: từ đồng ý "loại bỏ nhiên liệu hóa thạch theo khoa học hiện có", đến tiếp tục sử dụng dầu, khí đốt và than đá, miễn là có công nghệ thu giữ và lưu trữ khí thải carbon phát sinh, và không đề cập đến nhiên liệu hóa thạch
Có lẽ điểm sáng duy nhất tại COP28 là 130 quốc gia cam kết tăng gấp 3 năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, cắt giảm sử dụng than và hạn chế phát thải khí metan (loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh).
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm qua cho biết những cam kết này nếu được thực hiện sẽ giảm lượng phát thải khí nhà kính do sử dụng năng lượng toàn cầu xuống 4 tỷ tấn carbon dioxide vào năm 2030. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 1/3 lượng khí phát thải cần phải giảm trong 6 năm tới để đạt mục tiêu khống chế mức nhiệt toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Ngoài ra, một báo cáo được công bố tại COP28 cho biết các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển đang “bị bỏ lại phía sau về năng lượng sạch” và COP28 chưa đạt được đủ tiến bộ trong việc hỗ trợ tài chính, giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber kêu gọi các nước tích cực hơn, linh hoạt và chấp nhận thỏa hiệp để đạt được thỏa thuận giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm 1 thỏa thuận đầu tiên về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Dự kiến hội nghị thượng kết thúc vào ngày mai và Azerbaijan có khả năng sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh tiếp theo (COP29) sau khi nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia Đông Âu.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...