Trong bối cảnh viện trợ của Mỹ cho Ukraine giảm mạnh và ông Donald Trump có khả năng quay trở lại Nhà Trắng, nhiều nước châu Âu và khối NATO đã xây dựng kịch bản phải đơn độc đương đầu với Nga trong xung đột vũ trang.
Bối rối trước kịch bản Tổng thống Putin tiếp tục xốc tới
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố rằng việc Liên Xô tan rã là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20”. Lúc đó, hồi năm 2005, ít người nghĩ rằng ông Putin sẽ làm điều gì đó liên quan đến tuyên bố này.
Thế rồi Nga sử dụng vũ lực vào năm 2008 để hỗ trợ các vùng Abkhazia và Nam Ossetia ly khai khỏi Gruzia. Đến năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea (khi ấy đang do Ukraine quản lý), đồng thời hậu thuẫn cho lực lượng người gốc Nga nổi dậy ở miền Đông Ukraine. Đến tháng 2/2022, Nga chính thức phát động chiến dịch quân sự đặc biệt quy mô lớn vào Ukraine.
Nội tình nước Mỹ hiện nay dường như càng có lợi cho Nga và gây quan ngại cho các nước thành viên khối quân sự NATO. Cựu Tổng thống Mỹ Trump đang trỗi dậy mạnh mẽ và có cơ hội sẽ tái đắc cử tổng thống trong năm 2024 này. Điều đáng nói là đã từ lâu ông Trump thề sẽ đưa nước Mỹ ra khỏi NATO. Mới đây, ông Trump còn đe dọa không bao giờ viện trợ cho các nước đồng minh. Trong bối cảnh ấy, nhiều nước châu Âu lo ngại Nga có thể tấn công một quốc gia thành viên của NATO trong thập kỷ tới trong sự khoanh tay ngồi nhìn của Mỹ.
Một số quan chức và chuyên gia tin rằng kịch bản tấn công đó có thể xảy ra vào thời điểm 5 năm sau khi xung đột Ukraine kết thúc. Theo họ, quãng thời gian 5 năm là đủ để Nga xây dựng lại và vũ trang lại cho quân đội của mình.
Tướng Veiko-Vello Palm - tư lệnh sư đoàn tác chiến trên bộ chủ lực của quân đội Estonia trả lời một cuộc phỏng vấn vào tháng 12/2023: “Vài năm vừa qua đã chỉ rõ rằng NATO với tư cách một liên minh quân sự chưa sẵn sàng tiến hành các chiến dịch quy mô lớn. Nói đơn giản hơn, nhiều quân đội các nước thành viên NATO chưa sẵn sàng chiến đấu với Nga. Điều này không dễ chịu chút nào”.
Tâm lý bất an trong nhóm Baltic
Đã từ lâu, một số nước giáp biên giới với Nga có tâm lý lo ngại ý định của quốc gia này. Tướng Palm cho biết, đối với Estonia, tâm lý đó có từ năm 1991, khi Estonia tách ra khỏi Liên Xô thành một quốc gia độc lập.
Tổng thống Putin từng hạ thấp cảnh báo của chính quyền Tổng thống Biden về việc Nga sắp sửa tấn công Ukraine. Moscow hiện nay cũng bác bỏ các lo ngại cho rằng Nga đang lên kế hoạch tấn công NATO. Trả lời phỏng vấn của RIA Novosti, Giám đốc Cơ quan tình báo đối ngoại của Nga, Sergei Naryshkin, khẳng định các thông tin về ý đồ Nga tấn công đều nằm trong chiến dịch của phương Tây tung tin sai lệch nhằm tạo tâm lý bất mãn với Nga.
Tâm trạng bất an của châu Âu càng tăng hơn nữa khi Nga tiến hành quân sự hóa nền kinh tế và dành những khoản tiền khổng lồ cho quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng trong lúc một số nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ tìm cách chặn viện trợ của nước này cho Ukraine.
NATO lập luận rằng họ sẵn sàng bảo vệ biên giới của toàn bộ 31 nước thành viên mà xét ở góc độ tập thể thì đã tăng chi tiêu quốc phòng lên ước chừng 190 tỷ USD kể từ năm 2014 (thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea). Nhưng giới phân tích cho rằng đây chỉ là sự khởi đầu của quá trình xây dựng lại mạng lưới quân sự trống rỗng của cả châu Âu trong các thập kỷ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc - một quá trình có thể mất nhiều năm.
“Cổ tức hòa bình” này (ám chỉ sự chuyển đổi hậu Chiến tranh Lạnh) đã đưa hàng nghìn tỷ USD ra khỏi ngân sách quốc phòng để đầu tư vào ngành y tế, giáo dục và nhà ở. Công nghiệp quân sự châu Âu đã thu hẹp lại khi nhu cầu về xe tăng, chiến đấu cơ và tàu ngầm sụt giảm mạnh.
Năm 2006, lo lắng về việc chưa được chuẩn bị cho xung đột, các quan chức quốc phòng hàng đầu từ mỗi nước NATO đã đồng ý chi ít nhất 2% sản lượng nội địa hàng năm cho quân đội của mình. Nhưng đây không phải là yêu cầu bắt buộc. Khi chi tiêu quân sự chạm mức thấp vào năm 2014, chỉ có 3 trong 28 nước thành viên của NATO lúc đó đáp ứng mức 2% này. Tính đến năm 2023, chỉ 11 nước đạt ngưỡng chi 2% dù rằng một nhà ngoại giao phương Tây tuần trước nói rằng dự kiến khoảng 20 nước thành viên NATO sẽ đáp ứng được yêu cầu này trong năm 2024.
Gấp gáp đầu tư cho phòng thủ
Khối NATO sẽ kiểm tra mức độ sẵn sàng của mình trong cuộc tập trận kéo dài nhiều tháng của mình với sự tham gia của 90.000 binh sĩ, bắt đầu từ tháng 1/2024 - đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Cuộc tập trận mang tên Steadfast Defender 2024 được cho là để kiểm tra khả năng ứng phó của NATO trước Nga.
Đô đốc Rob Bauer của Hà Lan, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO nói với phóng viên vào ngày 18/1/2024 rằng kế hoạch của NATO nhằm ứng phó với 2 nguy cơ hàng đầu, đó là “xung đột với Nga” và chủ nghĩa khủng bố.
Christopher Skaluba - Giám đốc Sáng kiến An ninh xuyên Đại Tây Dương tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, nhận định: Sự kiên cường của Nga khi đối diện với cuộc phản công của Ukraine (được phương Tây trang bị vũ khí) vào mùa hè 2023 đã cho thấy Tổng thống Putin vẫn trụ vững về dài hạn và có thể tái định hướng nền kinh tế và dân chúng để khôi phục lại quân đội trong 3 - 5 năm tới.
Ông Skaluba dự báo viện trợ của Mỹ cho Ukraine có thể giảm mạnh ngay đầu năm 2025 nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 này.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 21/1, Tổng tư lệnh quân đội Na Uy, tướng Eirik Kristoffersen cảnh báo rằng NATO thiếu thời gian để xây dựng năng lực phòng thủ đối phó Nga.
Cũng trong tháng 1/2024, Tổng tư lệnh quân đội Thụy Điển - tướng Micael Byden và Bộ trưởng Phòng thủ dân sự nước này, Carl-Oskar Bohlin đều cảnh báo rằng Thụy Điển phải chuẩn bị cho kịch bản chiến tranh với Nga.
Những lời cảnh báo này đã vấp phải làn sóng phản đối từ đảng đối lập và giới phê bình - những người cho rằng các nhận xét đó chỉ gây hoang mang thái quá.
Tuy nhiên, Thụy Điển vẫn đang nỗ lực gia nhập NATO sau khi Phần Lan được kết nạp vào tổ chức này trong năm 2023. Cả hai quốc gia này đều từ bỏ quan điểm không liên kết về quân sự sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nhận định trên đài phát thanh: “Chiến tranh chưa ở ngay bậc thềm nhưng rõ ràng là nguy cơ chiến tranh đang tăng lên đáng kể”.
Chính phủ Estonia cũng không thể bỏ qua một thực tế là trong những ngày đầu tiên của xung đột Ukraine, Nga đã chiếm được một diện tích lớn tương đương với kích cỡ của các nước Baltic.
Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn bộ binh số 2 của Estonia, đại tá Mati Tikerpuu đánh giá rằng ý đồ của Nga là khôi phục lại sức mạnh của họ trong quá khứ. Lữ đoàn này nằm cách biên giới với Nga khoảng 30km.
Đại tá Tikerpuu chia sẻ rằng vấn đề không phải là Nga có tấn công hay không mà là khi nào thì điều đó sẽ xảy ra.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...