Giáo hoàng Francis vừa qua đời ở tuổi 89, đã có một cuộc đời giản dị, được nhớ đến như giáo hoàng của người nghèo.
Giáo hoàng Francis tại một buổi lễ ở Vatican hôm 29.1 ẢNH: AFP
Giáo hoàng Francis được sinh ra trong một gia đình gốc Ý tại thủ đô Buenos Aires (Argentina) vào ngày 17.12.1936 với tên gọi Jorge Mario Bergoglio. Cha ông, ông Mario, là nhân viên kế toán ngành đường sắt trong khi mẹ ông, bà Regina Sivori chăm lo việc nội trợ và chăm sóc 5 người con.
Theo tiểu sử chính thức của Giáo hoàng trên website của Vatican, ông từng tốt nghiệp kỹ thuật viên hóa học trước khi trở thành tu sĩ dòng Tên. Trong thời gian sau đó, ông học về thần học và triết học, được thụ phong linh mục vào năm 1969. Năm 1992, ông được Giáo hoàng John-Paul II sắc phong giám mục và đến năm 1998 trở thành Tổng giám mục Buenos Aires.
Năm 2001, ông được phong hồng y và từng tham dự Mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng Benedict XVI vào năm 2005. Năm 2013, Giáo hoàng Benedict XVI từ chức và Hồng y Bergoglio được bầu lãnh đạo Giáo hội, là vị giáo hoàng đầu tiên thuộc dòng Tên và là người đầu tiên từ khu vực Mỹ Latinh. Sau khi được chọn, tân giáo hoàng lấy tông hiệu Francis, vinh danh Thánh Francis xứ Assisi, một tôi tớ của người nghèo khó và cơ cực, theo CNN.
Giáo hoàng Francis gần như dành cả đời để phụng sự người nghèo. "Anh em tôi nghèo và tôi là một trong số họ", ông từng nói nhiều lần về việc này.
Trong thời gian đứng đầu Giáo phận Buenos Aires, ông từ chối sống trong dinh thự dành cho tổng giám mục mà chọn một căn hộ nhỏ ở gần nhà thờ chánh tòa. Ông cũng dùng phương tiện giao thông công cộng thay cho xe hơi với tài xế riêng và tự nấu ăn. Sau khi được tấn phong hồng y, ông xin phép từ chối đến Rome để mừng chức mới và dành toàn bộ chi phí chuyến đi để chia cho người nghèo.
Vài tháng sau khi được bầu, Giáo hoàng Francis công bố bản tông huấn quan trọng, kêu gọi xây dựng một "Giáo hội nghèo khó của người nghèo" và "mở tung cửa nhà thờ" để kết nối với thế giới. "Tôi mong muốn một giáo hội nếm trải khó khăn, đau thương và phong trần hơn là một giáo hội trì trệ trong tiện nghi và bảo thủ".
Như thời còn là Tổng giám mục Buenos Aires, ông tiếp tục lối sống thanh khiết, gần gũi sau khi đến Vatican. Giáo hoàng Francis không dọn đến Điện Tông tòa mà tiếp tục ngụ tại nhà nghỉ Sanctae Marthae, nơi các hồng y từng ở trước kỳ mật nghị.
Thượng phụ Kirill của Chính Thống giáo Nga gặp Giáo hoàng Francis tại Cuba năm 2016 ẢNH: REUTERS
Một số ý kiến cho rằng Giáo hoàng Francis đã khuấy động được bầu không khí cải cách như một cuộc khởi hành mới cho Giáo hội Công giáo. Ông đã chứng tỏ không nói suông khi phát biểu Giáo hội Công giáo phải là một giáo hội nghèo của người nghèo trên thế giới và giáo hội này không được tập trung vào Tòa thánh Vatican mà phải vươn ra tận mọi hang cùng ngõ hẻm của thế giới bên ngoài.
Ông đã thực sự cải tổ bộ máy quyền lực ở tòa thánh, đã lập lại kỷ cương và thiết lập sự minh bạch về kinh tế và tài chính ở Vatican. Ông đã chấp nhận và khơi dậy cuộc tranh luận sôi động trong giáo hội về những chủ đề nội dung mà cho tới trước đó vẫn còn bị coi là những điều cấm kỵ.
Về mặt quan điểm, Giáo hoàng Francis vẫn bảo vệ các giá trị truyền thống của đạo Công giáo như chống phá thai, chống hôn nhân đồng tính… Ông từng va chạm với chính phủ của Tổng thống Argentina Fernandez de Kirchner (2007-2015) vì quan điểm chống đối hôn nhân đồng tính của ông và việc phân phát miễn phí thuốc ngừa thai của bà Kirchner.
Bên cạnh đó, ông cũng có quan hệ tốt với các tôn giáo khác, cho rằng "Công giáo không phải là hình mẫu văn hóa duy nhất" và "đối thoại liên tôn là một điều kiện cần cho hòa bình thế giới". Trong thời gian tại nhiệm, Giáo hoàng Francis từng tiếp xúc với các lãnh tụ Hồi giáo, hay cuộc gặp lịch sử với Thượng phụ Kirill tại Cuba, cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Công giáo và Chính Thống giáo kể từ năm 1054.
Nến và hình ảnh Giáo hoàng Francis được đặt dưới chân tượng cố Giáo hoàng John Paul II bên ngoài Bệnh viện Gemelli, nơi lãnh đạo Giáo hội Công giáo đang điều trị ẢNH: REUTERS
Trong hơn 12 năm giữ cương vị lãnh đạo tín hữu Công giáo, Giáo hoàng Francis đã phải nhập viện 4 lần để trị bệnh. Khi còn trẻ, ông đã phải cắt bỏ một phần lá phổi vì nhiễm trùng và thường bị tái phát viêm phế quản, đặc biệt là vào mùa đông, theo AP. Đức Thánh cha 89 tuổi từng kể lại rằng mạng sống của ông khi đó đã được một y tá cứu lấy nhờ cho ông uống gấp đôi lượng thuốc được kê đơn.
Năm 2021, Giáo hoàng điều trị trong bệnh viện 10 ngày vì mắc chứng hẹp thành ruột. Các bác sĩ khi đó cắt bỏ 33 cm ruột kết của ông. Đầu năm 2023, ông cho biết chứng bệnh thành ruột trên tái phát nhưng được kiểm soát. Vào cuối tháng 3 cùng năm, Giáo hoàng nhập viện vài ngày vì viêm đường hô hấp sau khi thấy đau ngực và khó thở.
Tháng 6 cùng năm, ông lại nhập viện để phẫu thuật loại bỏ mô sẹo và chữa chứng thoát vị thành bụng, xuất viện sau 9 ngày. Ngoài ra, trong những năm qua, Giáo hoàng Francis cũng nhiều lần phải di chuyển bằng xe lăn vì vấn đề ở dây chằng đầu gối phải.
Hồi giữa tháng 2, Giáo hoàng quay lại Bệnh viện Gemelli để điều trị viêm phế quản và chẩn đoán thêm. Ngày 22.2, Vatican lần đầu tiên thông báo Giáo hoàng trong tình trạng "nguy kịch", phải bổ sung ôxy và truyền máu, theo Reuters. Ngày 23.3, Giáo hoàng Francis xuất viện phục hồi tại Vatican và xuất hiện tại một số sự kiện công khai.
Nguồn: thanhnien.vn
Đang gửi...