Phi thuyền tuyệt mật được đề cập là FIA-Radar, mang theo năng lực ghi lại hình ảnh độ phân giải cao về các mục tiêu trên đất liền trong thời gian liên tục 24 giờ/ngày.
Hơn 200 vệ tinh gián điệp thuộc về Mỹ
Mỹ phóng vệ tinh gián điệp đầu tiên CORONA vào năm 1960, cho phép theo dõi Trung Quốc và Liên Xô phát triển năng lực sản xuất máy bay ném bom tầm xa và tên lửa đạn đạo, cũng như vị trí chúng được triển khai.
Theo CIA, vệ tinh trên đã chụp được ảnh của toàn bộ các cơ sở phóng tên lửa tầm trung và liên lục địa của Liên Xô.
Đến nay, Mỹ dẫn đầu thế giới với hơn 200 vệ tinh gián điệp trên không gian, và ông Schöfbänker cho hay đã quan sát được vài vệ tinh trong vài tháng gần đây, trong đó có FIA-Radar, Space.com đưa tin hôm 20.9.
Sử dụng kính thiên văn Dobsonian được thiết kế để theo dõi và chụp ảnh các vệ tinh, ông Schöfbänker quan sát được những thứ chưa từng được công chúng biết đến hoặc sự tồn tại của chúng thường mới dừng lại ở đồn đoán. Những thông số được ghi chép bao gồm kích thước, hình dạng và vị trí của chúng trên bầu trời.
Phi thuyền bí ẩn lộ diện
Boeing đã phát triển và chế tạo tổng cộng 5 FIA-Radar, còn được gọi là Topaz, hợp thành một mạng lưới đặc biệt trên không của quân đội Mỹ.
Topaz đầu tiên được phóng lên quỹ đạo trái đất vào năm 2010 và thành viên cuối cùng rời bệ phóng năm 2018.
Trong sử dụng kính Dobsonian, nhà thiên văn học người Áo đã phát hiện một vài FIA-Radar được trang bị Radar khẩu độ tổng hợp (SAR). Thiết bị SAR cho phép Mỹ phóng chùm radar xuyên các tầng mây, tán lá cây và những lớp đất trên bề mặt, từ đó đo đạc những tín hiệu được phản xạ để nhận dạng mục tiêu.
Chính phủ Mỹ luôn giữ kín năng lực của mạng lưới trên, chỉ biết rằng Topaz 1 được lắp hệ thống năng lượng hạt nhân, hệ thống kiểm soát độ cao và một cấu trúc nhôm hình trụ liền khối.
Trong khi chưa rõ ông Schöfbänker đã quan sát được loại Topaz nào, ông đã cung cấp một số chi tiết vừa phát hiện.
"Từ những hình ảnh chụp được, tôi kết luận những vệ tinh trên được lắp ăng ten lưới parabol đường kính 12 m, 2 bảng điện mặt trời với độ dài trải rộng 10 m", theo ông, thêm rằng còn một vật thể sáng nằm giữa các bảng điện mặt trời, nhiều khả năng là một dạng ăng ten khác.
Ông Schöfbänker tiếp tục giải thích ăng ten lưới parabol của vệ tinh di chuyển 6 lần ở bên trái và 22 lần bên phải trong quá trình ông quan sát.
Vệ tinh KH-11
Các đối tượng khác lọt vào tầm nhìn của nhà thiên văn nghiệp dư là một số vệ tinh KH-11, loại chuyển đổi ánh sáng thành tín hiệu điện tử.
KH-11 do Lockheed Martin phát triển và được cho sử dụng kính phát hiện những vật thể cực nhỏ, bề ngang khoảng 7,62 cm.
Vệ tinh KH-11 đầu tiên được phóng vào tháng 12.1976, mang đến năng lực đầu tiên thu thập thông tin tình báo thời gian thực cho Lầu Năm Góc. Trước khi vệ tinh được đưa vào quỹ đạo, Mỹ cần nhiều ngày hoặc vài tuần để nhận được hình ảnh từ các vệ tinh khác.
Nhu cầu có được năng lực quan sát theo thời gian thực trở nên cấp bách hơn đối với chính quyền Mỹ theo sau các sự kiện quan trọng như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (1962), Chiến tranh Sáu ngày (1967) hoặc vụ khối Warsaw tấn công Tiệp Khắc (1968).
Năm 2019, ông Donald Trump khi là Tổng thống Mỹ đã chia sẻ ảnh chụp một bãi phóng rốc két của Iran do vệ tinh KH-11 thực hiện.
Hiện có tổng cộng 4 vệ tinh KH-11 trên quỹ đạo, với vệ tinh già nhất trong số này được phóng năm 2005 và được đặt tên USA 186. Vệ tinh KH-11 mới nhất được đưa vào quỹ đạo năm 2021 và gọi là USA 314.
Các vệ tinh KH-11 có chiều dài khoảng 11 m, mang theo kính với kích thước dao động tùy thuộc vào đời vệ tinh.
Ông Schöfbänker xác định được 3 đời vệ tinh KH-11 đang hoạt động trên quỹ đạo, và mặt kính của vệ tinh thứ tư có bề ngang khoảng 3 m.