Vụ án Trịnh Văn Quyết: Lừa đảo và thao túng chứng khoán ngàn tỉ, ai thiệt hại?

10:50 - 06/03/2024

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm bị cáo buộc lừa đảo và thao túng thị trường chứng khoán, qua đó chiếm đoạt và thu lợi bất chính hơn 4.300 tỉ đồng. Vậy, các nhà đầu tư được xác định thiệt hại như thế nào?

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố bị can Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC (gọi tắt là Tập đoàn FLC), về 2 tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.
Vụ án Trịnh Văn Quyết: Lừa đảo và thao túng chứng khoán ngàn tỉ, ai thiệt hại?

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Chiếm đoạt và thu lợi bất chính hơn 4.300 tỉ đồng

Với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, cơ quan điều tra xác định, từ tháng 5.2017 - tháng 1.2022, bị can Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.

Các bị can sau đó thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Những chiêu trò được sử dụng gồm: liên tục mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp lệnh nội nhóm (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu), mua bán với khối lượng lớn vào thời điểm đóng - mở cửa nhằm chi phối thị trường, đặt lệnh mua - bán sau đó hủy lệnh…

Bằng việc tạo cung cầu giả, giá 5 mã cổ phiếu "nhảy múa" theo ý đồ của các bị can. Cuối cùng, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết chỉ đạo "xả bán" cổ phiếu, thu lợi bất chính hơn 723 tỉ đồng.

Với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kết luận điều tra cho thấy, từ năm 2014 đến tháng 9.2016, bị can Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên Công ty CP xây dựng Faros (gọi tắt là Công ty Faros), các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng.

Tiếp đó, các bị can tạo lập hồ sơ, đề nghị chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros.

Niêm yết thành công, bị can Quyết cùng đồng phạm bán hơn 391 triệu cổ phiếu Công ty Faros, từ đó chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Vụ án Trịnh Văn Quyết: Lừa đảo và thao túng chứng khoán ngàn tỉ, ai thiệt hại?

Cơ quan công an khám xét trụ sở Tập đoàn FLC, tại thời điểm vụ án bị khởi tố

Không thể xác định thiệt hại của nhà đầu tư do thao túng chứng khoán

Quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận được đơn của 685 nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, đồng thời đề nghị bồi thường thiệt hại đối với 6 mã chứng khoán "họ FLC".

Cơ quan điều tra cho hay đã phân loại các đơn này theo 2 nhóm để xử lý theo quy định. Nhóm thứ nhất là các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS, công an đã ghi lời khai, xác định bị hại và kết luận trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong đó, 126 đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn FLC, Công ty CP FLC Quy Nhơn Golf & Resort, cá nhân bị can Trịnh Văn Quyết… đã chuyển thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra các địa phương để giải quyết theo thẩm quyền.

44 đơn của các cá nhân ký hợp đồng đặt mua trái phiếu của Tập đoàn FLC phát hành tháng 12.2021 (với giá 10.000 đồng/trái phiếu, lãi suất 12%/năm), nội dung tố cáo Ngân hàng NCB không xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trước khi bán trái phiếu, bán trái phiếu không đúng đối tượng; Tập đoàn FLC sử dụng tiền bán trái phiếu không đúng mục đích... Bộ Công an xác định đây là vụ việc tranh chấp dân sự, các bên đang thỏa thuận giải quyết chưa thống nhất; nếu không thống nhất được thì khởi kiện ra tòa.

Nhóm còn lại là các nhà đầu tư mua cổ phiếu AMD, ART, HAI, GAB, FLC. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho hay, không có căn cứ để xem xét giải quyết do không có căn cứ xác định thiệt hại của các nhà đầu tư. Nhận định này được Bộ Công an dựa trên kết luận giám định của Bộ Tài chính.

Theo đó, giao dịch của các nhà đầu tư diễn ra thường xuyên, có thể mua bán liên tục một mã cổ phiếu trong thời gian dài. Khi nhà đầu tư phát sinh nhiều giao dịch mua bán cùng một mã cổ phiếu thì việc nhà đầu tư đã bán cổ phiếu mua thời điểm nào và mua của ai là không thể xác định.

Điều này đồng nghĩa không có cơ sở để đánh giá chính xác nhà đầu tư bị lỗ do bán chính cổ phiếu đã mua của nhóm thao túng; không đủ căn cứ chứng minh thiệt hại từ hành vi vi phạm thể hiện mối quan hệ nhân quả từ hành vi thao túng thị trường chứng khoán và giao dịch của nhà đầu tư.

Chưa kể, trong giai đoạn xảy ra hành vi thao túng thị trường chứng khoán, có nhà đầu tư giao dịch có lãi nhưng cũng có nhà đầu tư bị thua lỗ. Giá trị thua lỗ của nhà đầu tư có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: ảnh hưởng của các yếu tố thị trường, ảnh hưởng của việc thao túng giá cổ phiếu, yếu tố chủ quan của các nhà đầu tư...

Vì thế, việc xác định mức độ ảnh hưởng cụ thể của từng nguyên nhân đối với giá trị thua lỗ của nhà đầu tư là không thể thực hiện được.

Kiến nghị nghiên cứu, sớm ban hành hướng dẫn

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao nghiên cứu, sớm ban hành hướng dẫn cụ thể làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho nhà đầu tư; từ đó có căn cứ xác định cấu thành tội phạm của các tội về chứng khoán, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

sctvonline Trang tin nhịp sống hôm nay
scj-shopping Truyền hình cáp SCTV

 

Nguồn: Vietcombank

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...