Các bị can bị bắt giam, gồm: Nguyễn Văn Hưng (34 tuổi) và Nguyễn Hoàng Chung (18 tuổi), đều ngụ xã Nâm N'Jang, H.Đắk Song, Đắk Nông; Trương Quốc Phong Dinh (27 tuổi) và Trương Quốc Dũng (26 tuổi, em trai Trước Quốc Phong Dinh), đều ngụ P.Long Hòa, Q.Bình Thuỷ, TP.Cần Thơ; Nguyễn Thị Kiều Trang (33 tuổi, ngụ P.Đại Mỗ, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội); Nguyễn Văn Tài (26 tuổi, ngụ xã Nghĩa Lạc, H.Nghĩa Hưng, Nam Định) và Ngô Tiến Thành (34 tuổi, ngụ xã Tràng An, H.Bình Lục, Hà Nam).
Trước đó, lực lượng Công an TP.Thanh Hóa đồng loạt khám xét khẩn cấp 5 địa điểm là nơi sản xuất, kho chứa thuốc tân dược giả trên địa bàn các tỉnh, thành: Bến Tre, Hà Nội và TP.Cần Thơ.
Lực lượng chức năng đã thu giữ 657 hộp thuốc Cefuroxim 500 mg; 3.258 hộp thuốc Cefixim 200 mg; 100 hộp thuốc Augxicine; 100 hộp thuốc Panadol Extra; 724 hộp thuốc Panactol dạng vỉ nén; 1.080 lọ thuốc Panactol đều là thuốc tân dược làm giả.
Ngoài ra, còn thu giữ 2,2 tấn phụ gia, tá phẩm; 1.000 tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Cefuroxim; 10 vỏ thùng vỏ hộp Panactol và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất thuốc tân dược giả.
Kết quả điều tra ban đầu của Công an TP.Thanh Hóa xác định Nguyễn Văn Hưng là người cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả. Hưng đã câu kết với Trương Quốc Phong Dinh để thành lập Công ty TNHH dịch vụ y tế Tích Hợp (địa chỉ tại TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Sau đó, Hưng giao Dinh trực tiếp tìm mua máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, tá dược, in bao bì... để sản xuất thuốc tân dược giả.
Trương Quốc Phong Dinh đã sử dụng các mạng xã hội Zalo, Facebook để liên lạc thu mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc trên thị thường, sau đó dùng cồn hoặc hóa chất khác tẩy xóa phần chữ in trên vỉ thuốc, dùng máy in lại thông tin (tên, thành phần, hoạt chất) trên vỉ thuốc, tạo thành loại thuốc mới.
Ngoài ra, Dinh còn thu mua thuốc tân dược sản xuất trong nước có giá rẻ rồi ngâm vào nước để bóc tem, nhãn hàng hóa, sau đó dán tem, nhãn hàng hóa là thuốc nhập từ nước ngoài để bán với giá cao hơn.
Ngoài vai trò của Hưng và Dinh như nêu trên, các bị can còn lại được phân công đi thuê các kho, xưởng trên địa bàn nhiều tỉnh làm địa điểm sản xuất thuốc giả, thường là các khu vực vắng người qua lại.
Trong quá trình sản xuất thuốc giả ở các kho, xưởng, người được thuê làm việc được các bị can tổ chức cho ăn ở khép kín trong nhà xưởng, không được ra ngoài.
Thuốc giả sau khi sản xuất, các bị can sử dụng mạng xã hội tổ chức quảng cáo, tung tin rao bán bán để chạy doanh số, không xuất hóa đơn nên giá thành rẻ hơn để thu hút người mua.
Cũng theo Công an tỉnh Thanh Hóa, tuy chưa có số lượng cụ thể nhưng bước đầu xác định đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả trên đã bán ra thị trường số lượng lớn thuốc tân dược giả ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.