Tòa buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 673.000 tỉ đồng. Theo quy định pháp luật, bị cáo Lan không đủ điều kiện được miễn giảm án phí dân sự đối với số tiền 673 tỉ đồng.
Theo tòa phúc thẩm, đối với dự án 6A thuộc khu Trung Sơn H.Bình Chánh TP.HCM (đang do SCB nắm giữ), trước đó bị cáo Lan yêu cầu SCB trả lại và tự nguyện dùng tài sản này để góp vào khắc phục hậu quả. "Vấn đề này lại chưa được cấp sơ thẩm xem xét, nên cấp phúc thẩm không có căn cứ để giải quyết, cũng không thể giao cho SCB xử lý mà sẽ thực hiện theo quy định thi hành án", bản án nêu.
Đối với số tiền 5.000 tỉ đồng mà bị cáo Lan đòi SCB trả lại vì cho rằng đã dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này, theo tòa phúc thẩm, SCB đã thực hiện và hoàn thành tăng vốn vào cuối năm 2021… Nội dung này chưa được điều tra, truy tố, xét xử, nếu các bên thấy cần thiết thì khởi kiện trong một vụ án khác.
Ngoài ra, tòa còn tuyên tiếp tục kê biên xử lý đối với 658 mã tài sản là bất động sản do các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc cá nhân đứng tên giúp bị cáo Lan để thi hành nghĩa vụ bồi thường. Tòa cũng tiếp tục kê biên nhà đất 21 - 21A Trần Cao Vân (Q.1, TP.HCM), nhà đất tại 19 - 21 - 23 - 25 Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), nhà đất tại 78 Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM), nhà đất tại 110 - 112 Võ Văn Tần (Q.3, TP.HCM), 1 du thuyền, 2 tàu, 18 ô tô.
Trước đó, trong quá trình xét hỏi, bị cáo Trương Mỹ Lan yêu cầu tòa không giao tài sản bị kê biên là dự án 6A cho SCB xử lý vì ngân hàng này không có khả năng, sẽ gây thất thoát tài sản cho Nhà nước.
Về vấn đề này, Viện kiểm sát cho rằng, đây là vụ án hình sự nên không thể giao cho SCB quản lý xử lý tài sản này mà phải có các cơ quan liên quan phối hợp tham gia, như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát TP.HCM giám sát để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Trả lời câu hỏi của tòa về việc đang giữ dự án 6A, đại diện SCB khẳng định: "Hiện dự án 6A không còn đảm bảo khoản vay nào. Nếu bị cáo Lan đồng ý giao để SCB, hoặc cơ quan thi hành án xử lý để khắc phục hậu quả vụ án thì SCB đồng ý yêu cầu này". Tuy nhiên, sau đó, SCB chuyển sang đổi ý để đòi toàn quyền được xử lý tài sản này.
Trong phần tranh luận, luật sư bảo vệ quyền lợi của phía bị hại SCB cho rằng, dự án 6A là tài sản thuộc 1 trong số 5 dự án (Windsor, 6A, Times Square, Mũi Đèn Đỏ, Chợ Vải). Các khách hàng vay được bảo đảm bằng dự án 6A đã thanh toán toàn bộ gốc và lãi cho SCB. Do đó, dự án này hiện không còn đảm bảo cho nghĩa vụ nào tại ngân hàng. Tuy nhiên, hiện SCB vẫn giữ hồ sơ pháp lý của tài sản và giá trị ngoại bảng tài sản trên hệ thống là hơn 16.500 tỉ đồng.
Do đó, phía SCB vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo là đề nghị tòa giao tài sản dự án 6A cho ngân hàng này được quyền quản lý, xử lý (chuyển nhượng, nhận tiền từ việc bán, cho thuê dự án…) nhằm mục đích khắc phục thiệt hại của vụ án.
Cũng trong phần tranh luận, bảo vệ quyền lợi cho SCB, luật sư cho biết, ngân hàng này không chấp nhận trả lại 5.000 tỉ đồng cho bị cáo Trương Mỹ Lan. Bởi theo luật sư, số tiền này không được bị cáo Lan đề cập đến, cũng như không có yêu cầu gì trong phiên tòa sơ thẩm. Bản án sơ thẩm và bản kháng cáo của bị cáo cũng không nhắc đến.
Cũng theo luật sư của SCB, 5.000 tỉ đồng hoàn toàn không có liên quan gì đến vụ án này mà là một quan hệ pháp luật độc lập giữa các cổ đông với SCB. Giữa nhóm cổ đông do bị cáo Lan đại diện, nếu có việc tranh chấp phải được giải quyết theo một trình tự tố tụng khác.