Trước đó, các bị cáo, luật sư bào chữa và đại diện viện kiểm sát đã đối đáp về tính chất, mức độ, thiệt hại do hành vi phạm tội của từng bị cáo gây ra.
Ông Mai Tiến Dũng có vai trò "hết sức mờ nhạt"?
Ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, là người duy nhất được đề nghị 24 - 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Dũng bị cáo buộc giúp chuyển đơn của Công ty Sài Gòn Đại Ninh đến Thanh tra Chính phủ, từ đó tạo tiền đề cho việc "bẻ lái" kết luận thanh tra liên quan đến dự án Đại Ninh (Lâm Đồng). Ông Dũng được "đại gia" Nguyễn Cao Trí "cảm ơn" 200 triệu đồng.
Bào chữa cho ông Dũng, luật sư cho rằng thân chủ bút phê chuyển đơn là xuất phát từ sự quý mến, trân trọng những đóng góp của ông Trí trong công tác chống Covid-19, đồng thời mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn chung.
Về số tiền 200 triệu đồng, theo luật sư, hôm đó hai bên nói rất nhiều chuyện, gồm việc chuyển đơn. Ông Trí để lại một phong bì dán kín, nói "có chút quà gửi anh" rồi ra về ngay... Ông Dũng từ chối nhưng ông Trí vẫn để trên bàn lẫn nhiều hồ sơ tài liệu. Do bận họp gấp, ông Dũng không mở phong bì, không biết bên trong có 200 triệu đồng. Ông Dũng cũng không biết rằng chữ ký bút phê chuyển đơn sẽ bị lợi dụng để phạm luật, bởi đây là hoạt động hành chính bình thường.
Vẫn theo luật sư, "ông Dũng chỉ là chi tiết nhỏ", việc không thu hồi dự án trải qua nhiều cấp, nhiều khâu, liên quan nhiều ban ngành, đơn vị. Việc chuyển đơn "không nhiều ý nghĩa" vì Thanh tra Chính phủ có thể tự nhận đơn và xử lý mà không cần Văn phòng Chính phủ chuyển. Do đó, vai trò của ông Dũng là "hết sức mờ nhạt".
"Theo tôi chỉ có thể coi hành vi của thân chủ tôi gây thiệt hại về mặt uy tín lòng dân với Đảng, Nhà nước, không gây thiệt hại tài sản", luật sư kết luận, đồng thời xin tòa tuyên thân chủ mức án nhẹ hơn đề nghị của viện kiểm sát.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí làm dự án "không phải vì đam mê"
Trong phần đối đáp, đại diện viện kiểm sát đề cập đến thiệt hại vụ án, khi nhiều luật sư cho rằng thực tế không có thiệt hại, vì đến cuối cùng, quyền sử dụng đất dự án vẫn chưa trao cho ai, tỉnh Lâm Đồng vẫn đang quản lý sử dụng.
Kiểm sát viên nhận định hành vi trái pháp luật của các bị cáo dẫn đến "đại gia" Nguyễn Cao Trí được gia hạn thực hiện dự án Đại Ninh mà đáng lẽ đã bị thu hồi. Ông Trí sau đó bán lại dự án cho công ty của Novaland với mức giá hơn 27.000 tỉ đồng.
Ở chiều ngược lại, hành vi của ông Trí "đã tha hóa chính bị cáo; tha hóa nhiều bị cáo giữ chức vụ trong cơ quan quản lý nhà nước, từ Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng... Rõ ràng hậu quả về công tác cán bộ là cực kỳ đau xót", đại diện viện kiểm sát nói.
Luật sư có nêu nhiều về hoàn cảnh phạm tội, nói ông Trí tâm huyết, đam mê với dự án. Bản thân ông Trí khi bào chữa cũng nhấn mạnh muốn đóng góp cho tỉnh Lâm Đồng, nhưng vì bối cảnh khó khăn nên đã nóng vội, sai lầm.
Tuy nhiên đại diện viện kiểm sát phản đối quan điểm trên. "Riêng với bị cáo Trí, viện kiểm sát khẳng định làm dự án không phải vì đam mê", kiểm sát viên nói. Bởi lẽ, ông Trí biết rõ dự án bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi nhưng vẫn bàn bạc, trao đổi, đề nghị cố Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh giúp đỡ để thay đổi nội dung kiến nghị trong kết luận thanh tra. Ông Minh gật đầu, bị cáo mới quay lại đàm phán mua lại dự án từ chủ đầu tư cũ.
"Đàm phán chưa xong, chưa đủ cơ sở bán dự án, bị cáo đã bán. Bị cáo làm gì có quyền sở hữu hay chuyển nhượng dự án mà bán, vậy dựa vào đâu để nói làm dự án vì mục đích tốt đẹp, đam mê, đem lại lợi ích cho quê hương?", đại diện viện kiểm sát nêu quan điểm.
3 bị cáo (từ trên xuống, trái qua phải): Nguyễn Cao Trí, Trần Đức Quận và Trần Văn Hiệp
ẢNH: PHÚC BÌNH
"Đi tù vì tham nhũng là nỗi nhục lớn với gia đình"
Trước khi vào nghị án, hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời sau cùng. Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đều gửi lời xin lỗi Đảng, nhân dân, nói sai phạm của bản thân đã làm xấu uy tín của tổ chức, địa phương, phụ kỳ vọng bà con quê nhà. Hai bị cáo xin giảm án cho nhau.
Ông Hiệp cho hay, cả ông và ông Quận đều không biết bị cáo Trí bán dự án cho công ty khác. Cựu chủ tịch khóc, nói đi tù vì tham nhũng sẽ là nỗi nhục lớn với gia đình.
"Ra tòa để than thở hoàn cảnh, bị cáo rất xấu hổ, phải mang mẹ già 90 tuổi ra xin, mang bố từng đi tù cách mạng ra xin, rất nhục và xin tòa thông cảm", bị cáo nghẹn ngào.
Suốt 2 ngày diễn ra phiên xử, do sức khỏe nên "đại gia" Nguyễn Cao Trí được bố trí ghế mềm, được cho phép ngồi khi nói. Ở lời sau cùng, bị cáo quyết định đứng dậy để trải lòng lần cuối.
Ông Trí nói khi nghĩ về 700 ngày bị tạm giam, thấy vô cùng đau đớn, thấm thía, ân hận. Bị cáo xin giảm án cho cả 9 người còn lại, mong muốn thi hành án càng sớm càng tốt để sớm trở về.
"Nhiều khi vì mục đích tốt đẹp nhưng hoàn cảnh và bản thân có sai lầm, nên phải trả giá. Đó chính là những éo le trong cuộc đời", bị cáo nói.