Hiến đất xây chùa
Theo nội dung bản án sơ thẩm, 3 thửa đất ở xã Thanh Phú, H.Bến Lức được UBND huyện cấp cho ông Nguyễn Văn Đ. có nguồn gốc của bà Nhan Thị Q. và Đặng Thị H.
28 năm trước, bà H. và bà Q. có làm giấy hiến đất cho ông Đ. phần đất có diện tích 16.000 mét vuông tại ấp Nhất B, xã Thanh Hà (nay là xã Thanh Phú, H.Bến Lức) với mục đích xây chùa và làm từ thiện.
Do phần đất này, bà Huỳnh Thị L. đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giúp bà H. nên bà L. là người lập thủ tục ký chuyển quyền sử dụng đất cho ông Đ. có sự đồng ý của bà Q. và bà H. gồm 3 thửa đất trên với tổng diện tích hơn 4.000 mét vuông.
Tuy nhiên, phần đất từ khi nhận tặng đến nay chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây chùa, còn vướng khiếu nại nên ông Đ. chưa sử dụng; đồng thời, đồng ý để bà H. tiếp tục ở, giữ phần đất này.
Sau đó, bà H. cho ông P. (cháu bà H.) về ở trên phần đất. Đến năm 2008, bà H. chết, các con của bà là Nguyễn Thị Hồng T. và Nguyễn Thị Hồng Y. cùng ông P. xây dựng nhà trái phép và các tượng Phật chiếm phần đất trên của ông Đ. Ông Đ. trực tiếp ngăn cản và khiếu nại lên UBND xã nhưng bất thành.
Theo giấy hiến đất ngày 13.1.1996 thì bà H. và bà Q. thực hiện giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất cho ông Đ. nhưng không đề cập đến thời gian thực hiện xây chùa và từ thiện. Bà H. và bà Q. hiến 16.000 mét vuông đất nhưng ông Đ. chỉ được cấp diện tích hơn 4.000 mét vuông.
Sau khi nhận đất và được cấp giấy, ông Đ. đã thực hiện khiếu nại đất được cấp bị thiếu so với giấy tặng cho, xin chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất xây dựng chùa vào năm 1998.
Ông Đ. xác định, chỉ tranh chấp đối với 2 trong tổng số 3 thửa đất do ông này đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với phần đất bị thiếu so với tổng diện tích 16.000 mét vuông thì ông Đ. xác định không tranh chấp, không có yêu cầu khởi kiện trong vụ án này.
Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An xác nhận đất còn vướng, khi nào được cấp hoàn chỉnh, giấy tờ rõ ràng thì cơ quan này sẽ đề nghị cơ quan Nhà nước cho phép thành lập cơ sở Phật giáo.
Ông Nguyễn Văn Đ. khởi kiện ra tòa, yêu cầu bà Y. và ông P. trả lại 2 trong số 3 thửa đất trên. Không đồng ý với phản tố của bà L. và bà Y., ông này cho rằng đất hiến cho ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay tình, hợp pháp, không gian dối, ông không chiếm đoạt đất của ai thì không ai có quyền đòi lại. Đối với tiền đóng thuế sử dụng đất do ông Đ. là người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không quản lý đất, đất do gia đình bà Y. quản lý nên bà này là người nộp thuế. Riêng tài sản trên đất là của bị đơn.
Ngoài ra, do phần đất này ông Đ. đã được tặng cho nhưng bà H. và các con của bà H. tự ý xây dựng và đầu tư trên đất, không thông qua ý kiến của ông Đ. là không đúng. Nếu tòa xác định quyền sử dụng đất là của ông Đ. thì ông này sẽ đồng ý hoàn trả toàn bộ giá trị tài sản trên đất theo chứng thư thẩm định giá cho bà Y.
"Cá nhân không có quyền hiến đất cho cá nhân để xây dựng cơ sở tôn giáo"
Không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Đ., phía bị đơn là bà Nguyễn Thị Hồng Y. cho rằng ông Đ. không thực hiện đúng mục đích của người hiến đất xây chùa và làm từ thiện, đến nay ông Đ. cũng không thực hiện thỏa thuận.
Từ đó, bà Y. có đơn phản tố yêu cầu khởi kiện, tuyên bố vô hiệu giao dịch ngày 13.1.1996 giữa ông Đ., bà H. và bà Q.; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng 2 trong số 3 thửa đất do UBND H.Bến Lức cấp cho ông Đ. ngày 17.3.1997. Đồng thời, công nhận cho bà Y. được quyền sử dụng phần đất có diện tích hơn 3.000 mét vuông tại xã Thanh Phú, H.Bến Lức.
Xét xử sơ thẩm hồi 8.2023, đại diện Viện KSND tỉnh Long An đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đ., chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Y. và chấp nhận yêu cầu độc lập của bà Huỳnh Thị L. về việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 17.3.1997 do UBND H.Bến Lức cấp cho ông Đ.
HĐXX cấp sơ thẩm nhận định, giao dịch tặng cho giữa bà H. và ông Đ. là giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện, đã thực hiện xong về hình thức. Ông Đ. đã được UBND H.Bến Lức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 3 thửa đất nói trên. Đồng thời, phía ông Đ. phải có nghĩa vụ xây chùa và làm từ thiện như trong điều kiện tặng cho. Tuy nhiên, việc xây chùa chưa được thực hiện.
Ngoài ra, theo quy định tại điều 159 luật Đất đai thì đất xây chùa được xác định là đất cơ sở tôn giáo và việc phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo sẽ do UBND tỉnh thực hiện. Bà H. là cá nhân, thì không có quyền hiến đất cho ông Đ. là cá nhân để xây dựng cơ sở tôn giáo, cụ thể ở đây là xây chùa khi chưa có chủ trương của UBND tỉnh Long An.
Cũng theo HĐXX, ông Đ. cho rằng nguyên nhân ông không thực hiện được điều kiện tặng cho là do ông Đ. đang khiếu nại đất được cấp bị thiếu so với giấy tặng cho và xin chuyển mục đích sử đất từ đất nông nghiệp sang đất xây chùa vào năm 1998, ông Đ. yêu cầu bị đơn giao đất để ông xây chùa là không thực hiện được nên không có căn cứ chấp nhận.
Từ đó, có cơ sở xác định việc bà H. tặng cho ông Đ. quyền sử dụng đất để xây chùa và làm từ thiện không thể thực hiện vì vi phạm quy định pháp luật về điều kiện tặng cho được quy định tại điều 120, điều 462 bộ luật Dân sự. Do đó, giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất này bị vô hiệu.
Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu bà Y. và ông P. trả lại hai thửa đất ở xã Thanh Phú, H.Bến Lức cho ông Đ. là không có căn cứ chấp nhận. Tòa chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn bà Nguyễn Thị Hồng Y. về việc tuyên bố vô hiệu giao dịch hiến đất; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 17.3.1997 do UBND H.Bến Lức cấp cho ông Đ.; chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà L. về việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 17.3.1997 do UBND H.Bến Lức cấp cho ông Đ.