Tờ Nikkei Asia mới đây dẫn lời ông Chua Chee Seong, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Infineon, cho biết công ty này đang tuyển dụng thêm nhân viên ở Ấn Độ - nơi hiện là cơ sở nghiên cứu và phát triển châu Á quan trọng của Infineon. Không những vậy, Infineon cũng đang mở rộng đáng kể nguồn nhân lực cho cơ sở mới tại Việt Nam với quy mô "hàng trăm" kỹ sư. Hiện nay, Infineon là nhà sản xuất linh kiện bán dẫn đứng đầu tại Đức và thuộc nhóm 10 công ty sản xuất linh kiện bán dẫn lớn nhất thế giới.
Ông Chua đánh giá: "Tôi nghĩ tầm quan trọng của Đông Nam Á và Nam Á xét về nhân tài ngành chip và chuỗi cung ứng ngành chip sẽ tăng lên trong những năm tới. Khu vực này tương đối trung lập trong môi trường địa chính trị năng động, đồng thời cũng là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động hiệu quả".
Trong đó, Ấn Độ có vai trò quan trọng đang tăng lên. Infineon đã tuyển dụng 2.000 nhà thiết kế chip và nhà phát triển phần mềm ở Ấn Độ - thị trường đang có vai trò quan trọng đối với chip sử dụng trong ô tô và điện tử. Theo ông, một Ấn Độ đang trỗi dậy trông rất giống với Trung Quốc của 2 - 3 thập niên trước.
Sức hấp dẫn của Việt Nam
Trong khi đó, cũng theo ông Chua Chee Seong, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm quan trọng cho các nhà phát triển chip, khi nhà sản xuất phần mềm thiết kế chip hàng đầu của Mỹ là Synopsys đã thành lập cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) gồm 600 người tại Việt Nam. Các nhà phát triển chip hàng đầu của Mỹ là Nvidia và Marvell cũng đang bổ sung đội ngũ kỹ sư tại Việt Nam. Tờ báo cũng dẫn lời ông Vincent Chang, Giám đốc điều hành khu vực châu Á và liên lục địa của Tập đoàn Advantech - nhà sản xuất máy tính công nghiệp lớn nhất thế giới, cho biết doanh thu của công ty này ở Đông Nam Á đã tăng gấp đôi kể từ năm 2015. Ông kỳ vọng khu vực này sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Đánh giá chung về thị trường Đông Nam Á, ông Chang cho biết: "Chúng tôi nhận thấy các khách hàng lớn của mình cũng đang bổ sung thêm số lượng nhân viên ở đây hoặc bắt đầu thực hiện một số khảo sát địa điểm ở đây".
Năm ngoái, CNBC cũng đã dẫn một số phân tích cho rằng Việt Nam và Ấn Độ nổi lên như hai điểm đến tiềm năng cho quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất linh kiện bán dẫn. Mới đây, Reuters dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez, phát biểu trong cuộc làm việc ngày 26.1 tại Hà Nội, tiết lộ một tập đoàn hàng đầu của Mỹ, bao gồm nhiều tập đoàn về sản xuất chip, đang xem xét xúc tiến khoản đầu tư tổng cộng có giá trị 8 tỉ USD vào Việt Nam. Các khoản đầu tư sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.
Cũng từ năm ngoái, tờ Nikkei Asia đưa tin Tập đoàn Dell, chuyên sản xuất máy tính của Mỹ, đặt mục tiêu ngừng sử dụng chip sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2024. Ngoài chip, Dell đã yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện khác như mô đun điện tử và bảng mạch in, cũng như các nhà lắp ráp sản phẩm giúp chuẩn bị năng lực ở các quốc gia ngoài Trung Quốc, như Việt Nam.