Quảng Ninh: Lỡ hẹn con đường 6.400 tỷ

14:28 - 28/10/2024

“Siêu đại lộ” 6.400 tỷ đồng của Quảng Ninh nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi Đông Triều đã không về đích đúng hẹn.

Siêu dự án chậm tiến độ

Dự án đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 4335/QĐ-UBND (ngày 6/12/2021). Công trình có chiều dài 40,25km, gồm 10 làn xe đi qua 03 địa phương: thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều. Tổng vốn đầu tư của dự án này gần 6.400 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, triển khai thi công đầu năm 2023 dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Đây là công trình có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh nhằm hiện thực hóa chủ trương, mục tiêu xây dựng hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh, kết nối tới Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội với định hướng phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh và du lịch văn hóa lịch sử. Đây cũng là công trình giao thông trọng điểm dự kiến được tỉnh đưa vào khánh thành, chào mừng đại hội đảng các cấp tới đây của tỉnh Quảng Ninh.

Trên tuyến thiết kế 13 cầu vượt sông, bằng bê tông cốt thép dự ứng lực dạng cầu song lập, 10 nút giao cùng mức và 3 hầm chui dân sinh, hệ thống điện chiếu sáng và ATGT đồng bộ. Sau gần 2 năm thi công, đến nay hầu hết các hạng mục của dự án 13 cây cầu vượt sông này đều có nguy cơ chậm tiến độ.

Quảng Ninh: Lỡ hẹn con đường 6.400 tỷ

Một đoạn tuyến thuộc gói thầu số 10 mới chỉ hoàn thành bóc hữu cơ

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh (chủ đầu tư dự án), tại gói thầu số 11 xây dựng cầu Sông Uông, có giá trị trên 464 tỷ đồng, do liên danh nhà thầu Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 18 – Công ty cổ phần xây dựng 873 – Xây dựng công trình giao thông thực hiện (Khởi công ngày 28/3/2023, dự kiến hoàn thành ngày 18/10/2024). Tuy nhiên, đến nay mới thực hiện được 96/166 cọc nhồi trên phạm vi 14/24 mố, trụ; đổ bê tông được 5/24 mố, trụ; đúc 26/80 dầm và thi công được 02/04 cống hộp.

Được đánh giá đảm bảo tiến độ tốt nhất là gói thầu số 12 có giá trị trên 937 tỷ đồng gồm: Xây dựng cầu Kênh Đào và cầu Tổ Hợp, dự kiến đến 31/12/2024 sẽ hoàn thành. Đến nay, cầu Kênh Đào đã thi công xong kết cấu chính, thi công lan can và xử lý đất yếu đường đầu cầu.

Tại gói thầu số 13 có giá trị 706 tỷ đồng (xây dựng 10 cầu), dự kiến hoàn thành vào ngày 17/11/2024. Tuy nhiên, đến nay mới 7/10 cầu thi công xong kết cấu chính, 03 cầu còn lại hiện đang thi công kết cấu dưới hoặc mới hoàn thành công tác khoan cọc nhồi.

Về phần đường, tại gói thầu số 8 (xây dựng đường từ cầu Sông Uông đến km14+670) có giá trị 1.163 tỷ đồng. Hiện nay, gói thầu này mới thực hiện được 6/8,3km đường công vụ; đào và thay đất yếu được 4/8,5km; đắp trả nền đường K95 được 1,15km/11km; đắp cát nền đường 1,2km/11km,… Theo như dự kiến ngày 31/12/2024 gói thầu này sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đây là điều gần như không thể thực hiện khi chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm.

Tại gói thầu số 9 xây dựng đoạn đường từ km14+670 đến cầu Cầm có giá trị trên 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào 31/12/2024. Đến nay, nhà thầu cũng mới thi công được 3,7/9,5km đường công vụ; đào nền thay đất yếu được 2,9/9km; đắp nền K95 được 0,4/11,5km,…

Gói thầu số 10, xây dựng tuyến đường từ cầu Cầm đến cuối tuyến km40+959 có giá trị trên 900 tỷ đồng do liên danh nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng và phát triển Thanh Phong – Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Sa Vĩ – Công ty TNHH MTV Minh Đăng thực hiện. Hiện nay, các nhà thầu mới thi công được 5,8/10,7km đường công vụ; đào tầng đất mặt 8,3/10,7km; đào đất không thích hợp 1,9/10,7km,…

Theo quan sát của PV Diễn đàn Doanh nghiệp, tại công trường các gói thầu số 9, số 10 các nhà thầu gần như “án binh bất động”, máy móc thiết bị, nhân công hầu như không có mặt trên công trường.

Có thiếu vật liệu san lấp?

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, các khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thi công phần cầu do xử lý đất yếu đường dẫn cầu chờ thi công đồng bộ đường với hạng mục đường. Mặt khác, do trong quá trình thi công còn gặp khó khăn về mặt bằng, địa chất địa tầng thi công phức tạp, qua nhiều hang Karst và khan hiếm nguốn vật liệu cát đắp.

“Nguyên nhân của việc chậm tiến độ là do nhiều đoạn tuyến thi công trên nền địa chất yếu, cần thời gian gia cố. Thêm nữa, thời gian gần đây nguồn vật liệu san lấp lại khan hiếm, đặc biệt là cát san lấp” - ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Về phần đường, vướng mắc các thủ tục điều phối đất K95, K98 do đến thời điểm này các nhà đầu tư được giao quản lý mỏ đất triển khai thủ tục cấp phép, khai thác đất đắp chậm. Có 2/7 mỏ cung cấp đất K95, K98 đủ điều kiện khai thác (mỏ Bắc Sơn và mỏ Tây Sơn); 01 mỏ bỏ khoanh định, 04 mỏ chưa hoàn thiện thủ tục. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã Đông Triều còn hơn 24ha chưa được GPMB nên chưa thể thi công khu vực này.

Được biết, về nguồn đất san lấp cho các gói thầu làm đường của dự án đã được quy hoạch. Tuy nhiên, các mỏ khoanh định gần một số gói thầu số 8, 9, 10 như mỏ Thủy An chưa hoàn thiện thủ tục khai thác, mỏ Mai Long đã bỏ khoanh định.

Quảng Ninh: Lỡ hẹn con đường 6.400 tỷ

Có rất ít hoạt động thi công trên các gói thầu

Hiện trên địa bàn thị xã Đông Triều có mỏ Tây Sơn (xã Bình Khê) đã hoàn thiện các thủ tục khai thác và sẵn sàng cung cấp vật liệu đất san lấp cho dự án. Thế nhưng chủ đầu tư không lựa chọn phương án điều chỉnh lượng đất đắp ở mỏ này để thi công.

Theo lý giải của Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh), cự ly vận chuyển từ mỏ này đến công trình xa nên làm tăng chi phí.

Tuy nhiên, tại văn bản 3448/SGTVT-QLCL ngày 28/6/2024 của Sở GTVT Quảng Ninh gửi UBND tỉnh nêu rõ: “theo phương án này (phương án điều chỉnh nguồn đất đắp từ mỏ Mai Long sang mỏ Tây Sơn) giá đất chính thức được chủ mỏ đất Tây Sơn công bố thấp hơn giá dự toán ban đầu khoảng 22.382 đồng/m3, đồng thời cự ly vận chuyển tăng trung bình khoảng 6km. Dự kiến tổng thể chi phí theo phương án này giảm khoảng 48 tỷ đồng so với dự toán bước thiết kế kỹ thuật được duyệt”.

“Đối chiếu với các quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật đất đai, Luật Khoáng sản và các quy định của Hợp đồng thì thẩm quyền điều chỉnh nguồn cung cấp vật liệu, điều chỉnh đơn giá và cự ly vận chuyển thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư” – văn bản này nêu rõ.

Như vậy, nếu điều chỉnh phương án cung cấp nguồn đất đắp, mặc dù phát sinh chi phí vận chuyển nhưng bù lại giá vật liệu giảm rất nhiều, chủ đầu tư có thể tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, tiến độ dự án được đảm bảo thay vì chờ đợi các mỏ khác hoàn thiện thủ tục khai thác.

Mới đây, trong lần kiểm tra tiến độ dự án này, ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành phối hợp với các địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tốt nhất về mặt bằng cũng như nguồn cung đất đắp phục vụ thi công dự án.

“Siêu dự án” 6.400 tỷ đồng này nếu chậm tiến độ sẽ góp phần làm chậm giải ngân đầu tư công của Quảng Ninh. Chưa kể, số tiền hàng nghìn tỷ (30%) mà ngân sách tỉnh ứng trước cho các nhà thầu nếu không được đưa vào sử dụng sẽ gây ra sự lãng phí rất lớn.

Chiều 26/10/2024, phát biểu khi thảo luận tổ tại Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, các dự án chậm tiến độ, gây lãng phí phải được làm rõ trách nhiệm, tài sản quốc gia cần được sử dụng hiệu quả để tạo ra lợi ích cho cộng đồng.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Không khoan nhượng - SCTV9 độc quyền và đồng thời với TVB

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...