PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Doanh nghiệp là “đầu tàu”

Đoàn chủ tọa Diễn đàn.

 

Đó là đánh giá của ông Đoàn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ KH&ĐT tại Diễn đàn Phát triển nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững đang diễn ra chiều nay (28/6) tại Hội trường Thống nhất, 61 Nguyễn Huệ, Phường 1, TP. Tân An, tỉnh Long An do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức.

Diễn đàn nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn để làm đầu tàu dẫn dắt, làm lực lượng nòng cốt trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững.

Diễn đàn có sự tham dự của ông Lê Minh Hoan – Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Nguyễn Văn Được – Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An; Ông Bùi Văn Nghiêm – Ủy viên Trung Ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long; Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI; Ông Nguyễn Văn Út – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An; Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre; Ông Lê Tấn Cận – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu; và hơn 300 khách mời đến từ các Bộ NN&PTNT; Bộ KH&ĐT; Bộ Công Thương; lãnh đạo VCCI; lãnh đạo UBND các tỉnh khu vực ĐBSCL; đại diện các Sở NN&PTNT; Sở KH&ĐT các tỉnh ĐBSCL cùng đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Long An, khu vực Đông và Tây Nam Bộ và doanh nghiệp trực thuộc Eurocham; 

Về phía ban tổ chức có: Ông Nguyễn Thanh Truyền – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An; Ông Nguyễn Linh Anh – Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Nhãn hàng Đạm Phú Mỹ – NPK Phú Mỹ); Công ty CP Phân bón Bình Điền, v.v..

Trình bày tham luận tại Diễn đàn, ông Đoàn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ KH&ĐT đánh giá, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có vai trò đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn vì không chỉ là nơi tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn góp phần vào công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Doanh nghiệp là “đầu tàu”

 

Ông Đoàn Đạt – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ KH&ĐT phát biểu tại Diễn đàn.

 

Theo ông Đạt, gần 15 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 được ban hành, sự phát triển các doanh nghiệp trong nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông cho rằng, một trong những nguyên nhân là môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, chưa sáng tạo, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp.

“Nhận thức được vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xác định các doanh nghiệp sẽ là ‘đầu tàu’ trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”, ông Đoàn Đạt chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Đoàn Đạt cho rằng, quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định 57 giai đoạn vừa qua, đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi bổ sung một số nội dung như:

Thứ nhất, các căn cứ pháp lý ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP đã được điều chỉnh, sửa đổi gồm: Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, do đó các quy định tại Nghị định cần được rà soát đảm bảo phù hợp với các Luật mới đã được ban hành.

Thứ hai, giai đoạn 2016-2020, ngân sách Nhà nước còn hạn chế, các địa phương chủ yếu tập trung nguồn vốn bố trí cho kết cấu hạ tầng, còn ít nguồn vốn bố trí để thực hiện Nghị định 57. Giai đoạn 2016-2020, chỉ có 15 địa phương cân đối, giải ngân từ nguồn vốn trung ương để thực hiện Nghị định với tổng số vốn là 113,505 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách Trung ương chưa bố trí được nguồn vốn bổ sung để thực hiện Nghị định. Đây được xem là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến Nghị định triển khai không đạt mục tiêu đề ra.

Thứ ba, một số quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP còn chưa rõ hoặc chưa đồng bộ với các Luật hiện hành như: Quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất trùng lặp với ưu đãi theo quy định tại pháp luật đất đai; Trình tự thực hiện Quyết định chủ trương đầu tư của dự án còn có những cách hiểu khác nhau giữa Quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư và theo Nghị định 57…

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Doanh nghiệp là “đầu tàu”

 

Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Sở KH&ĐT Long An, Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Long An, Sở NN&PTNT tỉnh Long An, Tổ chức Oxfarm VN tổ chức.

 

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp Đào Đạt cũng cho rằng, Nông nghiệp, kinh tế nông thôn hiện nay đang phát sinh một số yếu tố và yêu cầu mới, cần thiết sửa đổi, bổ sung chính sách đáp ứng bối cảnh mới.

Cụ thể, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) được ký kết và bắt đầu có hiệu lực. Việc loại bỏ thuế suất với các mặt hàng nông sản chế biến sẽ khuyến khích công nghiệp thực phẩm đầu tư sản xuất các mặt hàng cho thị trường này, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nông sản theo hướng gia tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến. Các FTA được ký kết vừa tạo ra sân chơi mới, cơ hội mới vừa tạo ra thách thức mới cho nông sản Việt Nam nhất là nông sản hữu cơ và nông sản sạch.

“Do vậy, cần thiết có chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp đảm bảo có thể chủ động, đủ khả năng hòa nhập khi các FTA được thực thi đầy đủ”, ông Đạt nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhu cầu với nông sản đang có xu hướng tăng lên nhưng các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, trang trại, người sản xuất nông sản lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường do những thách thức từ việc đóng cửa biên giới, phong tỏa cảng biển, tăng cường kiểm dịch đối với hàng hóa, đặc biệt những khó khăn này thể hiện trong các đợt dịch bệnh Covid vừa qua, chiến tranh Nga – Ukraina hiện nay.  

Thêm vào đó, nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn yếu và thiếu về nguồn nhân lực, công nghệ trong các khâu sau thu hoạch, bao gồm cả sơ chế, bảo quản, chế biến và phân phối hàng hóa nông sản. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số đang có những bước tiến mạnh mẽ, doanh nghiệp rất cần nguồn lực để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ông Đoàn Đạt cho biết, Bộ KH&ĐT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế, dự thảo đã được thông qua các thành viên Chính phủ từ năm 2022 nhưng để phù hợp với tình hình mới, Bộ KH&ĐT hiện đang dự thảo và bổ sung thêm một số nội dung.

Một là, khắc phục những khó khăn, điểm còn chưa phù hợp trong quá trình triển khai Nghị định 57. Kế thừa cơ chế, chính sách hỗ trợ sau đầu tư của Nghị định 57, quy trình, thủ tục trong dự thảo sẽ rõ ràng, minh bạch, khả thi để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và công tác quản lý nhà nước thuận lợi trong triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Hai là, kịp thời đáp ứng những vấn đề mới nảy sinh, các yếu tố tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: Kịp thời đón nhận cơ hội đầu từ các Hiệp định thương mại tự do; Phù hợp với xu hướng thay đổi của thị trường nông sản trong nước và quốc tế theo hướng xanh, an toàn và hiệu quả.

Ba là, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với các Luật, đặc biệt là các Luật mới được ban hành: Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Bốn là, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đơn giản, điều kiện dễ thực hiện và linh hoạt để đảm bảo khả thi, đi vào cuộc sống. Ưu tiên hỗ trợ các dự án ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; dự án xanh, sạch, thân thiện môi trường.

“Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để tiếp tục thu hút, hỗ trợ mạnh hơn cho doanh nghiệp, ngoài việc tích cực triển khai Nghị định Chính phủ, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương trong tổ chức, triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp, xác định thu hút được một doanh nghiệp nông nghiệp ‘khởi nghiệp’ chắc chắn sẽ tạo thêm sản phẩm cho nông nghiệp, tạo thêm động lực cạnh tranh trong phát triển nông nghiệp hướng tới các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao hơn”, ông Đoàn Đạt khẳng định.