Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết góp phần giúp bà con nông dân tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động này còn hạn chế.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn chưa đồng bộ

 

Sản xuất nông nghiệp CNC hiện mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở từng khâu chứ chưa ứng dụng công nghệ cao đồng bộ.

 

Theo đó, sản xuất nông nghiệp CNC hiện mới chỉ được thực hiện chủ yếu ở từng khâu như tưới tiêu, nhân giống, nhà màng, nhà lưới… chứ chưa ứng dụng công nghệ cao đồng bộ trong cả quá trình như thu hoạch, bảo quản, chế biến.

Đặc biệt, vấn đề gắn sản xuất với các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm mà doanh nghiệp là đầu tàu của chuỗi lại chưa đủ vững chắc, nông dân, người sản xuất vẫn “ngay ngáy” lo tiêu thụ. Nói như ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

“Trong khi đó, đầu tư công nghệ cao đòi hỏi nguồn lực, vốn quá lớn nhưng thu hồi lại quá chậm. Do đó có những doanh nghiệp đầu tư lớn nhưng hoạt động không hiệu quả phải đóng cửa”, ông Sơn chia sẻ.

Cùng với đó, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh…

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn nhiều rào cản, đặc biệt cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất, đào tạo nhân lực, tiếp cận nguồn vốn cũng còn khó khăn. Đây là những điểm nghẽn cần quan tâm tháo gỡ.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ KH&CN nhận định đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nay còn thiếu công cụ phòng ngừa như bảo hiểm nông nghiệp và quỹ đầu tư bảo hiểm công nghệ cao.

Do đó, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để khắc phục khó khăn, vướng mắc.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có trách nhiệm trong việc bảo đảm cho các khu này phát triển một cách đúng mục tiêu, đúng định hướng.

Ngoài ra, cần triển khai đồng bộ tổng thể các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ về khoa học, công nghệ.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn chưa đồng bộ

 

Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn lực, vốn quá lớn nhưng thu hồi lại quá chậm. Do đó có những doanh nghiệp đầu tư lớn nhưng hoạt động không hiệu quả phải đóng cửa.

 

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, để triển khai các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách hiệu quả, Bộ sẽ sửa Nghị định về khu công nghệ cao để mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó có những chính sách, cơ chế đặc thù cho lĩnh vực này.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng khẳng định, đẩy mạnh ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm sinh kế và gia tăng thu nhập cho nông dân, góp phần vào tăng trưởng kinh tế nói chung là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là làm thế nào để tháo gỡ được những điểm nghẽn, rào cản về cơ chế, chính sách, qua đó củng cố niềm tin cho nhà đầu tư bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân…

Bộ trưởng cho biết, đến nay có 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công nhất, đúng bản chất nhất là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, nghiên cứu, thực nghiệm lan tỏa và đào tạo tiếp nhận thành tựu. Lõi của khu nông nghiệp cao phải từ viện, trường và các doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận kết quả và chuyển giao.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các viện, trường, trung tâm thông qua các bộ phận để chuyển giao kết quả nghiên cứu đến với người nông dân. Bộ sẵn sàng tạo kích hoạt, mở ra thị trường chuyển giao sản phẩm nghiên cứu…