Nghệ An với nỗi lo “chảy máu” lao động

14:06 - 15/01/2025

Thực trạng người lao động rời bỏ quê hương ngày càng nhiều đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An.

Hiện nay, Nghệ An có hơn 1,6 triệu lao động, trung bình mỗi năm bổ sung hơn 30 nghìn người và đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là phần lớn lao động Nghệ An có xu hướng tìm kiếm việc làm ở ngoài địa phương, gây ra những thách thức không nhỏ đối với thị trường lao động trong tỉnh.

“Khoảng trống” để lại

Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An thông tin, đến cuối năm 2024, ước tính có khoảng 700 nghìn lao động Nghệ An làm việc ngoại tỉnh và 80 nghìn lao động làm việc ở nước ngoài. Đáng chú ý, chỉ có khoảng 350 nghìn lao động làm việc tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, phần còn lại làm việc riêng lẻ trên các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Nghệ An với nỗi lo “chảy máu” lao động

Tình trạng “chảy máu” lao động đã và đang khiến cho nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An gặp khó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do mức lương và thu nhập tại Nghệ An thấp hơn so với các vùng kinh tế trọng điểm khác, trong khi chi phí sinh hoạt, mức sống lại khá cao. Điều này khiến nhiều lao động, nhất là lao động phổ thông lựa chọn rời quê hương để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, Nghệ An đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư nước ngoài, là mảnh đất màu mỡ được các ông lớn FDI chọn làm nơi “lót ổ” lâu dài. Nhiều doanh nghiệp lớn chuẩn bị đi vào hoạt động, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động ở địa phương sẽ ngày càng tăng cao trong giai đoạn sắp tới.

Dự kiến năm 2025, nhu cầu tuyển dụng của Nghệ An sẽ trên 40 nghìn lao động. Tính cả giai đoạn từ năm 2025 - 2029, riêng các dự án FDI sẽ có nhu cầu đăng ký sử dụng khoảng 98.701 lao động. Vậy nhưng, trên thực tế, điều đáng lo ngại nhất hiện nay, đó là nguồn cung lao động ở Nghệ An bị thiếu hụt trầm trọng, cả về chất lượng lẫn số lượng.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty TNHH công nghệ Everwin cho hay: Bắt đầu từ tháng 6/2024, công ty chính thức đi vào hoạt động, song công tác tuyển dụng lao động còn gặp những khó khăn nhất định, nhất là nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật cao. Theo kế hoạch, đến năm 2026, công ty phải tuyển dụng được 8 nghìn lao động. Do đó, việc tuyển dụng lao động đối với công ty rất là áp lực.

Nghệ An với nỗi lo “chảy máu” lao động

Thời gian tới, Nghệ An sẽ tập trung truyền thông, vận động và xúc tiến thu hút lao động từ các tỉnh, thành phố khác về làm việc tại địa phương.

Không chỉ riêng các doanh nghiệp FDI, các đơn vị khối nội có lượng lao động lớn như ngành dệt may, da giày, gỗ, gạo, nhựa PVC,… luôn trong tình cảnh thiếu hụt công nhân trầm trọng. Đơn cử như ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp lớn liên tiếp nhận được các đơn hàng từ đối tác nước ngoài, nhưng do thiếu lao động khiến kế hoạch sản xuất của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Một thực trạng khá buồn hiện nay, đó là thị trường phục hồi trở lại nhưng doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nhân công lao động để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chưa kể, hiện có nhiều nhà máy mới thành lập trên địa bàn tỉnh nhà, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ngày càng trầm trọng”, ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Hưng cho biết.

Ông Trần Tiến Dũng mong muốn, thời gian tới, doanh nghiệp dệt may rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức trên địa bàn trong việc tuyên truyền, hỗ trợ công tác tuyển dụng, đáp ứng đủ nguồn nhân lực để phát triển nhà máy, ổn định sản xuất, ổn định thu nhập người lao động và đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội.

“Giữ chân” người lao động

Theo nhiều ý kiến đánh giá, thực tế hiện nay, Nghệ An gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc cung ứng nguồn lao động, chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó, mức thu nhập của người lao động vẫn còn thấp hơn so với các địa phương trong khu vực; hạ tầng xã hội, dịch vụ chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các đối tượng là chuyên gia, lao động quản lý, lao động có trình độ cao...

Những mặt hạn chế đó đã kéo theo khả năng thu hút, tạo việc làm tại chỗ ở Nghệ An vẫn còn thấp, xu hướng dịch chuyển, tình trạng di cư lao động ra ngoài tỉnh vẫn ngày càng tăng cao. Mặt khác, thị trường lao động vận hành chưa thật sự hiệu quả đang tạo nên nhiều áp lực đối với vấn đề thu hút lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng từng chia sẻ tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An diễn ra hồi cuối năm 2024 rằng: Lãnh đạo tỉnh và các ngành rất trăn trở về vấn đề đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI.

“Vừa rồi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kết nối cung cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn để các cấp, ngành, địa phương tham gia quyết liệt, đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn lao động cho các doanh nghiệp” – ông Nguyễn Đức Trung thông tin.

Mới đây, ngày 8/1/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2025 - 2030.

Cụ thể, chỉ thị nêu rõ, hiện nay các Khu kinh tế, các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang được nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô lớn đầu tư, đi vào hoạt động, cần tuyển dụng nhiều lao động, đặc biệt lao động có tay nghề cao. Tuy nhiên, lao động của tỉnh chưa đáp ứng được về số lượng và chất lượng, tình trạng thiếu lao động cục bộ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động đến thu hút đầu tư của tỉnh.

Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm khắc phục tình trạng trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt tuyên truyền, truyền thông và thực hiện tốt pháp luật lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng và không ngừng đổi mới đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức và thực hiện theo đúng định hướng chuyển dịch lao động, đáp ứng được người lao động có kỹ năng nghề, tay nghề vững; chấp hành ý thức tổ chức pháp luật về lao động, việc làm và an toàn lao động. Truyền thông, vận động, xúc tiến thu hút lao động đang làm việc, học tập tại các tỉnh, thành phố trong cả nước về làm việc tại Nghệ An.

Mặt khác, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng yêu cầu dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn, thường xuyên đăng tải thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, tổ chức trên phương tiện thông tin đại chúng. Hàng tháng thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động để người dân biết tham gia tuyển dụng. Ngoài ra, chỉ thị cũng nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phát triển các ngành nghề phù hợp với quá trình thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI trong chuỗi cung ứng toàn cầu về điện tử và năng lượng xanh…

Riêng về doanh nghiệp, qua khảo sát cho thấy, để thu hút lao động, họ đã chủ động lên kế hoạch phát triển nguồn nhân sự bền vững, đồng thời đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi như: Thưởng cho công nhân mới, hỗ trợ tiền thuê trọ, hỗ trợ xe đưa đón, tiền nuôi con nhỏ, thưởng hiệu suất, tiền chuyên cần, lễ Tết và các khoản phụ cấp khác...

Bà Nguyễn Thị Duyên - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vilaconic cho hay: Để nhân viên yên tâm cống hiến và gắn bó với công ty, chúng tôi đã thực hiện nhiều chính sách cụ thể như: Định kỳ sẽ tiến hành xem xét, điều chỉnh mức lương dựa trên kết quả làm việc, năng lực của từng cá nhân và mức lạm phát. Bên cạnh đó, thiết lập các chính sách thưởng, hỗ trợ chi phí cho những người lao động có thành tích xuất sắc, nhằm khích lệ tinh thần làm việc và sự sáng tạo trong công việc chuyên môn.

“Mặt khác, công ty còn chú trọng đến những giá trị phi vật chất, xây dựng môi trường văn hoá trong công ty. Các hoạt động mang tính chất tập thể như văn nghệ, thể dục thể thao cũng là cơ hội để lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên giao lưu, xích lại gần nhau và xây dựng mối quan hệ gắn bó, đoàn kết trong nội bộ công ty…” – bà Nguyễn Thị Duyên chia sẻ.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Thám tử thần toán - SCTV9

 

Đường đích chiến thắng - SCTV9

Người bố thân yêu - SCTV9

 

CÙNG SCTV VUI TẾT SUM VẦY - QUÀ ĐẦY Ý NGHĨA

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...