Một kế hoạch chuyển giao kế nghiệp bài bản, với từng giai đoạn cụ thể, sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tính liên tục trong quản lý.
Doanh nghiệp gia đình hiện chiếm 70% số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, và khi doanh nghiệp gia đình phát triển đến một giai đoạn nhất định, việc chuyển giao kế nghiệp tất yếu sẽ diễn ra. Tuy nhiên, chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp gia đình không đơn thuần là việc trao lại quyền lực mà còn là quá trình kế thừa giá trị, triết lý kinh doanh và cả văn hóa doanh nghiệp.
Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp gia đình Việt Nam hiện nay chính là sự khác biệt tư duy giữa thế hệ sáng lập và thế hệ kế thừa. Khi một bên đã gắn bó với những phương pháp quản trị truyền thống, dựa trên kinh nghiệm thực tế và mối quan hệ cá nhân, còn bên kia lại mang theo những ý tưởng đổi mới, cách tiếp cận dựa trên dữ liệu và công nghệ, mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi. Điều đó đòi hỏi sự thấu hiểu, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau để có thể dung hòa các quan điểm.
Thêm vào đó, không phải doanh nghiệp nào cũng chuẩn bị đủ thời gian và nguồn lực cho quá trình chuyển giao. Một lộ trình không rõ ràng, thiếu sự hỗ trợ hoặc đào tạo từ thế hệ sáng lập sẽ khiến thế hệ kế thừa rơi vào thế bị động, dễ dẫn đến những quyết định sai lầm. Ngoài ra, áp lực từ thị trường trong giai đoạn chuyển giao cũng rất lớn, đặc biệt là khi doanh nghiệp phải đối mặt với những biến động kinh tế và sự cạnh tranh gay gắt.
Vì vậy, thách thức không chỉ nằm ở sự khác biệt giữa các thế hệ, mà còn ở cách doanh nghiệp quản lý và lên kế hoạch để quá trình chuyển giao trở thành một bước tiến thay vì một rào cản.
Theo số liệu của PwC, trên thế giới cứ 100 doanh nghiệp thế hệ F1 thì còn 60% tiếp nối ở thế hệ F2, 32% ở thế hệ F3 và chỉ còn 16% ở thế hệ F4. Để khắc phục sự suy giảm kế nghiệp qua các thế hệ, điều đầu tiên các doanh nghiệp gia đình cần làm là xây dựng một nền tảng văn hóa doanh nghiệp thực sự bền vững. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là những giá trị cốt lõi mà còn là tinh thần sáng tạo và khả năng thích nghi với thời đại. Nếu thế hệ sáng lập có thể truyền tải được tinh thần này cho thế hệ kế thừa, thì sự phát triển sẽ không bị gián đoạn mà còn được nâng lên một tầm cao mới.
Đồng thời, tôi luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị thế hệ kế thừa từ rất sớm. Thế hệ F2, F3 cần được trang bị không chỉ kiến thức học thuật mà còn cả kinh nghiệm thực chiến. Tôi cho rằng: "Lý thuyết là nền tảng, nhưng thực tế mới là bài học quý giá nhất". Việc tham gia trực tiếp vào các dự án, đối mặt với áp lực thị trường và học cách đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn sẽ giúp họ trưởng thành nhanh hơn và hiểu sâu hơn về doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần mở rộng hệ thống quản trị, giảm thiểu sự phụ thuộc vào cá nhân. Khi mọi thứ được vận hành dựa trên một hệ thống minh bạch và chuyên nghiệp, thế hệ kế thừa sẽ có cơ hội tập trung vào việc phát triển chiến lược, thay vì bị cuốn vào các vấn đề vận hành hàng ngày.
Một lộ trình không rõ ràng, thiếu sự hỗ trợ hoặc đào tạo từ thế hệ sáng lập sẽ khiến thế hệ kế thừa rơi vào thế bị động, dễ dẫn đến những quyết định sai lầm.
Yếu tố quan trọng nhất chính là sự đồng lòng và tầm nhìn chung giữa các thế hệ trong doanh nghiệp. Thế hệ sáng lập phải sẵn sàng trao quyền, còn thế hệ kế thừa phải sẵn sàng học hỏi và tiếp nhận những giá trị cốt lõi. Đây không phải là một quá trình diễn ra trong ngày một ngày hai, mà cần được xây dựng trên nền tảng của sự tin tưởng và thấu hiểu.
Đặc biệt, phải nhấn mạnh vai trò của lộ trình chuyển giao. Một kế hoạch chuyển giao bài bản, với từng giai đoạn cụ thể, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tính liên tục trong quản lý. Trong giai đoạn đầu, thế hệ sáng lập có thể giữ vai trò cố vấn, hướng dẫn thế hệ kế thừa đưa ra các quyết định quan trọng. Điều đó không chỉ giúp thế hệ trẻ tự tin hơn mà còn đảm bảo sự ổn định của doanh nghiệp trong thời gian chuyển giao.
Cuối cùng, việc đào tạo và trải nghiệm thực tế là không thể thiếu. Tôi thường nói rằng, thế hệ kế thừa không chỉ cần kế thừa tài sản, mà quan trọng hơn là kế thừa trách nhiệm và tầm nhìn. Khi họ hiểu được vai trò của mình không chỉ với doanh nghiệp mà còn với xã hội, họ sẽ có động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Thực tế cho thấy, thế hệ kế nghiệp ngày nay có rất nhiều lợi thế để đưa doanh nghiệp và thương hiệu Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế. Với nền tảng học tập bài bản, tư duy quản trị hiện đại và khả năng tiếp cận với công nghệ tiên tiến, họ có khả năng xây dựng các chiến lược phù hợp với xu hướng toàn cầu. Hơn nữa, thế hệ trẻ thường có tư duy mở, dễ dàng tiếp cận với các nền văn hóa và cách làm việc khác nhau, từ đó xây dựng được các mối quan hệ quốc tế bền chặt.
Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Họ cần biết cách kết hợp giữa đổi mới với những giá trị đặc trưng của thương hiệu Việt Nam. Chính những giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc là điểm khác biệt, giúp thương hiệu Việt Nam nổi bật trong mắt đối tác và khách hàng quốc tế... Ngoải ra, cần xây dựng một chiến lược dài hạn, trong đó bao gồm mở rộng chuỗi cung ứng, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tôi tin rằng, nếu có sự đồng hành từ thế hệ sáng lập, cùng với quyết tâm và khả năng đổi mới của thế hệ trẻ, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục thị trường quốc tế và tạo ra những thương hiệu mang tầm vóc toàn cầu.
Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.
- Nguyên tắc “Tôn trọng”: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
- Nguyên tắc “Bình đẳng”: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
- Nguyên tắc “Yêu thương”: Có tình cảm gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau.
- Nguyên tắc “Chia sẻ”: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...