TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá kinh tế Việt Nam đang phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, mức tăng khá đồng đều ở cả 3 khu vực là nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, tạo một số cơ hội mới cho doanh nghiệp. Đây là một trong những tín hiệu tích cực được ghi nhận của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, tạo đà tiếp tục phục hồi và phát triển trong những tháng cuối năm.

Trợ lực tăng trưởng cho doanh nghiệp

Tổng cầu thế giới cải thiện, đơn hàng quay trở lại  đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất và tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp chế biến chế tạo trong nước

Cùng với đó, việc hoàn thiện thể chế được thúc đẩy, trong đó có việc hướng dẫn triển khai với các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi… Tại các địa phương, quy hoạch cơ bản được ban hành cùng với việc triển khai tích cực cơ chế đặc thù cho một số thành phố lớn, được xem là những trợ lực quan trọng.

Tuy nhiên, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV bày tỏ  một số băn khoăn. Trong đó, băn khoăn lớn nhất là chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa đạt như mong muốn. Một trong những tiêu chí liên quan trực tiếp là năng suất lao động còn thấp và đây là chỉ tiêu Quốc hội đánh giá chưa hoàn thành trong những năm gần đây.

Thứ hai, rào cản lớn liên quan đến thực thi chính sách trong bối cảnh vẫn còn tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, tình trạng đùn đẩy xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng và gây chậm chễ trong việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn ở một số lĩnh vực như bất động sản, thị trường tài chính.

Thứ ba, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, nhất là những doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng yếu kém.

Cuối cùng, một số động lực tăng trưởng vẫn yếu. Điển hình, đầu tư tư nhân dù đã đạt mức tăng trên 4% nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ các năm trước và mức tăng của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, tiêu dùng trong nước tuy đã phục hồi nhưng chỉ bằng 2/3 so với thời điểm trước dịch COVID -19.

Từ thực tế trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn liên quan đến những vướng mắc về pháp lý trong lĩnh vực bất động sản, khó khăn về tài chính: chi phí đầu vào tăng trong khi giá bán đầu ra không tăng. Với các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn hàng có phục hồi và quay trở lại trong thời gian gần đây nhưng chậm và có một số thay đổi khi đơn hàng ngắn hơn trước, chỉ cho vài quý, chủ hàng yêu cầu không tăng giá. Điều này làm cho biên lợi nhuận của một số ngành bị co hẹp.

Trợ lực tăng trưởng cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp bán lẻ đang triển khai liên tục chương trình giảm giá, khuyến mại góp phần làm ấm hơn tổng cầu

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, doanh nghiệp bắt đầu lo ngại về tuyển dụng lao động khi có đơn hàng trở lại như ngành dệt may chẳng hạn.

Trợ lực cho doanh nghiệp tăng trưởng những tháng cuối năm, chuyên gia kinh tế kiến nghị các giải pháp cần tập trung nhiều hơn cho kích cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Từ phân tích cho rằng, nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích lũy tốt lên, lạm phát đang trong kiểm soát, rủi ro tài khóa ở mức trung bình nên chính sách tài khóa còn dư địa để có thể tính đến gói hỗ trợ có trọng tâm, trọng như đã được thực hiện hiệu quả trong giai đoạn COVID - 19, nhất là các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế và phí, góp phần kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp tiếp tục phục hồi sản xuất kinh doanh.

Các giải pháp cho trung và dài hạn là thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục tận dụng cơ hội từ những động lực mới đến từ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng; khai thác hiệu quả các FTA được ký kết và có hiệu lực góp phần thúc đẩy thương mại đầu tư, du lịch và các lĩnh vực khác…