Đây là một trong những nội dung được ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đề cập tại Đối thoại chính sách “tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp đa ngành về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”.

Hàng triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp là nguồn lực của kinh tế tuần hoàn

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện 56,7 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp vừa là một trong những yếu tố gây phát thải khí nhà kính vừa chưa được tận dụng triệt để thành nguồn lực trong kinh tế tuần hoàn. Tính cả phế phẩm trong các lĩnh vực của nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… con số này là hơn 150 triệu tấn. Nếu giải quyết và áp dụng cho kinh tế tuần hoàn, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể nâng cao giá trị rất nhiều và là giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả.  

“Hơn bao giờ hết, tác động khí hậu, khan hiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, dịch bệnh… khiến các quốc gia phải thay đổi tư duy phát triển và sản xuất theo nguyên lý cơ bản: mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác” - ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. Để hiện thực hoá mục tiêu trên, Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tập trung vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, phát triển thị trường, cơ chế chính sách, tăng cường hợp tác quốc tế và truyền thông về nông nghiệp tuần hoàn.

Làm rõ thêm tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn trong một số ngành nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, đại diện Viện Chính sách và chiến lược NN&PTNT cho biết, nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được triển khai, mang lại giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình lúa tôm, lúa cá; mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F; mô hình vòng tuần hoàn xanh trong trang trại bò sữa; mô hình nuôi thuỷ sản với công nghệ tuần hoàn nước… thu hút nhiều thành phần kinh tế quan tâm tham gia. Trên cơ sở đó, hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn bước đầu được hình thành.

Tiềm năng lớn nhưng phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp chưa tạo đột phá. Ngoài nhận thức về sự cần thiết chuyển đổi phát triển kinh tế tuần hoàn còn chưa đầy đủ, hiện nay khung chính sách cho mô hình này chưa hoàn thiện, nằm rải rác ở các văn bản luật, thiếu hướng dẫn, quy định cụ thể.

Hàng triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp là nguồn lực của kinh tế tuần hoàn

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam gợi ý cần bước nhảy vọt trong tiếp cận tài chính cho nông dân, các doanh nghiệp SME chuyển đổi mô hình 

Phát triển kinh tế tuần hoàn gắn liền với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Tại Việt Nam, mô hình có hàm lượng khoa học công nghệ chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn; ít doanh nghiệp nhỏ thực hiện được như vậy do hạn chế về các nguồn lực. Trong khi đó, việc nghiên cứu, chuyển giao, đầu tư khoa học công nghệ, nhân lực trong kinh tế tuần hoàn chưa được quan tâm

Là đơn vị thử nghiệm thành công hộp công cụ Kinh tế tuần hoàn - NDC, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, hộp công cụ này có thể giúp Việt Nam xác định ưu tiên, thực hiện và theo dõi các biện pháp can thiệp tuần hoàn trong nông nghiệp nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo, trồng trọt, chăn nuôi…

Nhấn mạnh 3 lợi ích kinh tế tuần hoàn mang lại cho nông nghiệp Việt Nam: đạt mục tiêu khí hậu, tăng năng lực cạnh tranh kinh tế và bảo vệ sức khoẻ con người, hệ sinh thái, bà Ramla Khalidi kêu gọi tăng cường hợp tác để xây dựng và thực hiện chính sách tuần hoàn, phân bổ đầu tư thỏa đáng, thúc đẩy chia sẻ và hợp tác kiến thức; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, tận dụng khoa học công nghệ, truyền thông nâng cao nhận thức… Đặc biệt, Việt Nam cần tạo ra bước nhảy vọt về khả năng tiếp cận các phương thức tài chính cho nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ chuyển đổi kinh tế tuần hoàn.