Tiếp đà tăng trưởng tích cực của năm 2023 và triển vọng thu hút đầu tư năm 2024, hoạt động đăng ký kinh doanh những tháng đầu năm diễn ra sôi động mặc dù bức tranh kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tổng cục Thống kê nhận định: với hơn 41.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 2 tháng đầu năm 2024 (tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước) là tín hiệu tích cực để hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ.

Trợ lực doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường kinh doanh

Nông nghiệp là lĩnh vực có doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường nhiều nhất trong 2 tháng đầu năm 2024 (ảnh minh hoạ)

Doanh nghiệp gia nhập thị trường không chỉ tăng về số mà còn tăng về vốn đăng ký và số lao động so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tổng số vốn đăng ký đã quay trở lại mức trên 200.000 tỷ đồng của giai đoạn 2019-2022, đạt 218.700 tỷ đồng. Nếu tính cả 300.900 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 6.331 doanh nghiệp tăng vốn, trong 2 tháng đầu năm 2024 có 519.600 tỷ đồng được đăng ký bổ sung vào nền kinh tế.

Phân theo ngành kinh tế, số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng như doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tập trung ở 2/3 ngành, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các ngành có nhiều doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn; bán lẻ; hoạt động kinh doanh bất động sản…

Ở chiều ngược lại, các ngành ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập giảm so với cùng kỳ năm 2023 như sản xuất phân phối, điện, nước, gas (giảm 0,7%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 8,7%); thông tin và truyền thông (giảm 0,9%); khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (giảm 0,4%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (giảm 5,9%).

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, thị trường vẫn ghi nhận hơn 63.000 doanh nghiệp rút lui, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước cho thấy những khó khăn, thách thức từ năm 2023 tiếp tục tác động không nhỏ đến hoạt động doanh nghiệp.

Từ thực trạng trên, để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, Tổng cục Thống kê cho rằng, trong thời gian tới, cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên với các giải pháp đồng bộ. Đó là chủ động và khẩn trương tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác nhau của các quy định pháp luật.

Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh: nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp thông qua việc thực hiện các giải pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các động lực tăng trưởng.

Trợ lực doanh nghiệp thông qua cải thiện môi trường kinh doanh

Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp là một trong những giải pháp cần được ưu tiên thực hiện

Tháo gỡ bất cập tồn tại được nhiều doanh nghiệp kiến nghị trong thời gian qua: vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng cần được giải quyết kịp thời, rốt ráo hơn nữa. Song song với đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với khối doanh nghiệp chiếm số lượng đông đảo trong nền kinh tế.

Các giải pháp khác cũng rất quan trọng như thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh như hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính,…

Đối với các doanh nghiệp trong nước, cần chú trọng cung cấp thông tin, kết nối, mở rộng thị trường  xuất khẩu; cập nhật, phổ biến về các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp ứng phó với phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về ngành hàng, thị trường; quy định, tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu của các nước; các cam kết theo các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế khác.