Shein có nguy cơ bị cấm niêm yết

Shein là một công ty thương mại điện tử thời trang nhanh “lớn như thổi” của Trung Quốc, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, Shein đã vươn mình lên thành hãng thời trang nhanh lớn nhất thế giới, “đánh bạt” cả những ông lớn kỳ cựu như Zara hay H&M.

Tiếp nối những thành công này, Shein đang lập kế hoạch IPO ở Mỹ. Hãng kỳ vọng sẽ đạt được giá trị 90 tỷ USD. Nếu đạt được, đây sẽ là một trong những đợt IPO lớn nhất Mỹ trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng kế hoạch này đang đứng trước rủi ro bị ngừng vì các nhà chức trách Trung Quốc đang “xem xét tình hình”.

Để đáp lại việc Mỹ hạn chế các nguồn vốn của Mỹ vào Trung Quốc, Bắc Kinh cũng yêu cầu tất cả các công ty Trung Quốc phải được nước này chấp nhận trước mỗi khi niêm yết ở nước ngoài.

Đối với Shein, Trung Quốc đang kiểm tra, đánh giá các rủi ro an ninh mà có thể xảy ra từ việc lên sàn Mỹ, ví dụ như các loại dữ liệu mà Shein sẽ phải tiết lộ cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Trong trường hợp xấu nhất, việc IPO của Shein này sẽ bị hủy bỏ. Trường hợp này tương tự như DiDi, hãng gọi xe khổng lồ của Trung Quốc ngay sau khi được niêm yết trên sàn NYSE đã bị Bắc Kinh bắt hủy niêm yết.

Còn trong trường hợp tốt, Shein sẽ được “bật đèn xanh” để lên sàn để chinh phục mức định giá công ty lên tới 90 tỷ USD. Để so sánh thì Uber khi IPO đã đạt được định giá khoảng 82 tỷ USD.

Năm ngoái, 2023, Shein ước tính đã thu về hơn 30 tỷ USD doanh thu. Phần lớn trong số đó là từ thị trường Mỹ. Tuy nhiên, các nhà chức trách Mỹ lại không “hoan nghênh” lắm hãng thời trang “siêu nhanh” này, mặc dù hãng này đã nỗ lực “tách mình” ra khỏi nguồn gốc Trung Quốc như là chuyển trụ sở chính sang Singapore, hay lập các trung tâm phân phối ở Mỹ. Thế nhưng các loại rắc rối vẫn đang bủa vây họ, đặc biệt là các vấn đề về bản quyền.

Tuần trước, hãng thời trang nhanh Uniqlo của Nhật đã kiện Shein. Uniqlo cáo buộc công ty này đã ăp cắp thiết kế mẫu túi rất được ưa chuộng có tên “Mary Poppins” của mình. Không chỉ Uniqlo, mà nhiều nhà thiết kế độc lập (Indie) cũng tố Shein “nhái” mẫu mã của mình. Mặc dù Shein cũng bỏ ra nhiều tiền để mua lại các hãng thời trang khác, bản chất là mua bản quyền thiết kế của các hãng này, nhưng các cáo buộc “ăn cắp thiết kế” vẫn ồ ạt bủa vây hãng thời trang siêu nhanh này.

Không chỉ vấn đề bản quyền, hãng thương mại điện tử đồng hương của Shein, Temu cũng đâm đơn kiện, cáo buộc Shein kinh doanh theo kiểu “mafia”.

NHƯ VẬY LÀ

Doanh nghiệp không thể thoát khỏi địa chính trị. Khi Mỹ-Trung có chiến tranh thương mại, các doanh nghiệp của cả Mỹ và Trung không tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề. Mạng xã hội TikTok đã làm mọi cách để “tẩy nguồn gốc” Trung Quốc nhưng vẫn bị các chính phủ các tiểu bang của Mỹ cấm.

Ở chiều ngược lại, Shein có nguy cơ bị Trung Quốc cấm niêm yết ở Mỹ. Iphone từ vị trí “bất khả xâm phạm” ở Trung Quốc giờ đang phải giảm giá để cạnh tranh với hàng nội địa vì vấp phải nhiều rào cản từ chính quyền Trung Quốc. Danh sách này có vẻ vẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài.