Mở cửa vào thị trường Mỹ: Doanh nghiệp quan tâm gì?

14:41 - 10/12/2024

Lo ngại về chính sách thuế thương mại trong tương lai không làm giảm sức hút của thị trường Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Tại Chương trình kết nối trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tổ chức sáng ngày 9/12, bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP HCM, cho biết hiện có khoảng 2,8 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, trong đó gần 50% có liên hệ thường xuyên với TP HCM.

Mở cửa vào thị trường Mỹ: Doanh nghiệp quan tâm gì?

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM chia sẻ

Doanh nghiệp đặc biệt quan tâm thị trường Mỹ

Theo đó, có tới khoảng 500 trí thức người Việt ở nước ngoài đang hợp tác liên tục với thành phố trong các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Bên cạnh đó, nguồn kiều hối chuyển về TP HCM qua kênh chính ngạch chiếm từ 45-53% tổng lượng kiều hối, đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm trong năm 2024, đóng góp nguồn lực lớn cho sự phát triển.

Nhấn mạnh cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một phần không thể tách rời trong sự phát triển của đất nước, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối doanh nghiệp thu hút đầu tư trực tiếp và chuyển giao công nghệ, bà Mai cho rằng cần có nhiều chương trình như đang được tổ chức tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận các nguồn lực quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác, giao thương. Việc này không chỉ giúp tăng trưởng nền kinh tế mà còn tạo ra một mạng lưới kinh doanh toàn cầu mạnh mẽ.

Theo nhà báo Trần Hoàng - TBT Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, chương trình được tổ chức hướng tới mục tiêu tăng cường thông tin và tuyên truyền về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, khuyến khích bà con tiêu thụ sản phẩm thương hiệu Việt, đồng thời thúc đẩy việc giới thiệu và phát triển các kênh phân phối hàng hóa tại nước sở tại.

Ông kỳ vọng thông qua chuỗi tọa đàm sẽ góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua các hệ thống phân phối quốc tế, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trong nước và thị trường toàn cầu, giúp họ tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng hàng Việt tại nước ngoài.

Ông Peter Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cho biết, mặc dù đây là chương trình đầu tiên được triển khai theo mô hình này, nhưng đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, học giả và đại diện doanh nghiệp từ 8 quốc gia ngoài Việt Nam và Mỹ. Riêng tại Việt Nam, đại diện của trên 40 doanh nghiệp cũng đã theo dõi sự kiện. Điều này phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp đối với thị trường Mỹ, nhất là trong bối cảnh kinh tế chính trị của Mỹ đã và đang ảnh hưởng lớn đến Việt Nam.

Mở cửa vào thị trường Mỹ: Doanh nghiệp quan tâm gì?

Doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp tại thị trường Mỹ chia sẻ các bài học, kinh nghiệm về giao thương, hợp tác

Chia sẻ về vĩ mô, TS Huỳnh Thế Du - đồng giảng viên tại Đại học Indiana (Mỹ), thành viên Viện Sáng kiến Việt Nam, cho biết sau khi Tổng thống Trump tái đắc cử, dự báo chính quyền Trump 2.0 sẽ tiếp tục ưu tiên chính sách bảo hộ kinh tế và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này mang đến thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc duy trì thị phần tại Mỹ, đặc biệt là khi chênh lệch thương mại giữa hai nước vẫn là vấn đề vô cùng "nhạy cảm".

Tuy nhiên, bên cạnh thách thức cũng là những cơ hội chưa từng có cho doanh nghiệp Việt Nam. TS Huỳnh Thế Du cho rằng trong cuộc chiến thương mại, Việt Nam với lợi thế về chi phí sản xuất cạnh tranh và khả năng tiếp cận nhanh chóng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà nhập khẩu Mỹ. Điều này tạo cơ hội lớn cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu, đặc biệt là trong các ngành hàng chủ lực. Điều này thực tế cũng đã được chứng minh trong giai đoạn “Trade war” trước đây.

Đáng chú ý, liên quan đến nỗi lo của doanh nghiệp về chính sách thuế thương mại mà chính quyền Tổng thống Trump dự kiến áp dụng, TS Huỳnh Thế Du cho rằng: Thứ nhất, một chính sách được một lãnh đạo, chính khách nêu ra, nó sẽ có tính định hướng và nếu muốn triển khai sẽ cần thông qua rất nhiều tầng nấc, không phải nêu ra là áp dụng được ngay. Thứ hai, cấu trúc thuế thương mại cao nếu áp dụng cần xem xét sẽ “đánh” cho loại hàng hóa nào, doanh nghiệp ở thị trường nào, với điều kiện gì, theo đó thì hàng hóa của doanh nghiệp Việt có rơi vào mức thuế này hay không .v.v Xem xét những yếu tố này, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được đầy đủ hơn thông tin và cơ hội để mở rộng, phát triển thị trường làm ăn, giao thương.

Những kinh nghiệm trong hợp tác, giao thương

Tại sự kiện, bên cạnh các vấn đề liên quan đến vĩ mô, chính sách, thuế, các doanh nghiệp đặc biệt đến các thủ tục, quy định để thâm nhập, đưa hàng vào thị trường Mỹ.

Bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TMTM, chia sẻ, Hoa Kỳ với 50 tiểu bang và sự đa dạng về quy định, văn hóa, cũng như thị hiếu tiêu dùng, là một trong những thị trường xuất khẩu hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để thành công tại đây, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, từ thủ tục pháp lý đến chiến lược tiếp cận thị trường. Bà Mai cho rằng cần có những chương trình kết nối B2B sâu sắc hơn nữa để các doanh nghiệp có thể được tham vấn, lắng nghe kinh nghiệm “thực chiến” của các doanh nghiệp từ đầu cầu quốc tế và có các bước hình dung cụ thể cho việc lên kế hoạch mở lối vào thị trường này.

Mở cửa vào thị trường Mỹ: Doanh nghiệp quan tâm gì?

Bà Jolie Nguyễn - CEO LNS US, người mang cà phê Việt K Coffee cùng nhiều nhãn hàng bánh kẹo, thực phẩm từ Việt Nam phân phối khắp các bang của thị trường Mỹ

Chia sẻ từ kinh nghiệm của người đưa hàng Việt vào thị trường Mỹ, bà Jolie Nguyễn - CEO LNS US cho rằng, thủ tục pháp lý tại Mỹ là một thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam không thể xem nhẹ. Một số sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm và hàng tiêu dùng, cần có chứng nhận của USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) hoặc FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ). Tuy nhiên, việc đạt được các chứng nhận này không chỉ đơn giản là đăng ký mà còn đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm và nguồn gốc nguyên liệu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đến các rào cản kỹ thuật và phi thuế quan, cũng như những quy định nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL). Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam từng bị từ chối nhập khẩu vì không đáp ứng được tiêu chuẩn này. Do đó, việc đầu tư vào phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế như ISO 17025 hoặc sử dụng dịch vụ của các phòng thí nghiệm được công nhận tại Hoa Kỳ là rất cần thiết.

Ngoài vấn đề pháp lý, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phân phối bài bản. Thị trường Hoa Kỳ yêu cầu sự rõ ràng trong việc lựa chọn kênh bán hàng. Việc hợp tác với các đối tác địa phương để thấu hiểu quy định, chính sách và tập quán kinh doanh tại Hoa Kỳ là một yếu tố không thể thiếu.

Ông Lê Hoàng Thế - Uỷ viên Ban thường vụ Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài, chia sẻ thêm một bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ là cần đầu tư vào các chứng nhận quốc tế uy tín như GSGE (Global Standard for Food Safety) hoặc NOP (National Organic Program) để tạo lợi thế cạnh tranh. Đây không chỉ là những điều kiện cần để thâm nhập thị trường mà còn là cách để khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị thương hiệu.

Ngoài ra, ông Thế cho rằng, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng về chi phí vận hành và rủi ro tài chính. Xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ không chỉ đơn thuần là đưa sản phẩm qua biên giới, mà còn phải chuẩn bị kế hoạch ứng phó với trường hợp bị trả hàng do không đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, với những sản phẩm có chi phí vận chuyển cao như thực phẩm đông lạnh hoặc các mặt hàng dễ hư hỏng, rủi ro này là rất lớn. Bởi thị trường Mỹ khách hàng có thể hoàn trả hàng hóa mà không cần lý do cụ thể.

TS. Nguyễn Mạnh Quyền - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Texas, Hoa Kỳ), khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp cận các hiệp hội, chuyên gia, các đối tác có giấy phép, được công nhận bởi chính quyền để được hỗ trợ chính thức, tránh mất thời gian, chi phí.

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, BTC cũng tổ chức phiên kết nối giao thương trực tiếp thu hút hơn 90 doanh nghiệp và hơn 300 doanh nhân tham gia kết nối giao thương và đặc biệt giới thiệu, tìm kiếm đầu ra cho hàng hóa dịp Tết Ất Tỵ 2025.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Không khoan nhượng - SCTV9 độc quyền và đồng thời với TVB

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...