Bà Trần Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần HHP Global nhấn mạnh với DĐDN về việc áp dụng thực hành ESG vào sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay.

ESG - chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và thương hiệu

Bà Trần Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần HHP Global.

- Áp dụng thực hành ESG vào sản xuất kinh doanh đang là đòi hỏi tất yếu của các doanh nghiệp hiện nay nếu muốn “nâng tầm” vị thế và gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư. Bà bình luận về vấn đề này như thế nào?

Điều này hoàn toàn đúng. Đặc biệt, với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp niêm yết như HHP GLOBAL thì việc cam kết thực hành ESG không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là một chiến lược quan trọng để HHP GLOBAL nâng cao uy tín, thương hiệu, hình ảnh trước các nhà đầu tư, cổ đông cũng như các đối tác, khách hàng.

Bằng cách tích hợp ESG vào sản xuất kinh doanh, mặc dù chi phí đầu tư trong giai đoạn đầu bị tăng cao, nhưng về lâu dài chúng tôi sẽ có cơ hội tối ưu hóa chi phí sử dụng năng lượng và giảm phát thải ra môi trường.

Chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội thị trường mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về bảo vệ môi trường và xã hội từ các nhà đầu tư, các đối tác, khách hàng, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh, đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và cũng nhờ đó có cơ hội thu hút đầu tư, có thêm nhiều đối tác chiến lược tầm cỡ quốc tế.

- ESG đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện được doanh nghiệp cũng đối mặt với không ít thách thức liên quan đến vấn đề tài chính, nhân lực... thưa bà?

Các thách thức tài chính và nhân sự là không tránh khỏi khi triển khai ESG. Việc đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và đồng thời áp dụng vào hoạt động kinh doanh đòi hỏi đội ngũ nhân sự đủ chuyên môn.

HHP GLOBAL đã và đang tiến hành việc đào tạo nhân sự, cập nhật công nghệ, và xây dựng chiến lược tài chính dài hạn phù hợp với chiến lược phát triển bền vững và cam kết thực hành ESG.

Chúng tôi xác định, bước đi ban đầu có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự hỗ trợ, tư vấn của chuyên gia từ Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, HHP GLOBAL đã tìm được những đối tác đồng hành có kinh nghiệm, chuyên môn cao. Và đây cũng là một giá trị vô cùng to lớn khi doanh nghiệp chúng tôi tham gia và nhận được sự hỗ trợ từ Chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam.

ESG - chiến lược giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và thương hiệu

Hệ thống máy Xeo giấy công suất 100.000 tấn/năm của HHP Global với công nghệ thiết bị hiện đại, tự động hoá lên tới 95% đủ điều kiện tích hợp triển khai Dự án Nhà máy thông minh 3S iFactory.

- Bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam đối với việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam thực hành ESG nói riêng và kinh doanh bền vững nói chung?

Chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam sẽ giúp cho các doanh nghiệp có động lực tiếp cận nhanh hơn, đi sâu hơn vào việc tìm hiểu về ESG, qua đó sẽ nhận ra giá trị của việc thực hành ESG trong doanh nghiệp mình, từ đó sẽ ra quyết định thực hành và lan tỏa tới các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng, trong các đối  tác, khách hàng của mình. 

Chẳng hạn, với kinh nghiệm của HHP GLOBAL, khi tham gia chương trình và tìm hiểu sâu hơn về ESG, chúng tôi đã bắt tay xây dựng Chiến lược phát triển bền vững, không chỉ là ngắn hay trung hạn, mà là dài  hạn đến năm 2035.

Cũng từ tham gia chương trình mà chúng tôi đã ra quyết định thành lập Tiểu ban ESG trực thuộc HĐQT để triển khai ngay, chứ không chần chừ đợi một vài năm nữa như trước khi biết đến chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam.

Như vậy, có thể nói Chương trình này sẽ góp phần tích cực trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam thực hành ESG nói riêng và kinh doanh bền vững nói chung.

- Bà có đề xuất, kiến nghị gì để ESG trở thành “bà đỡ” thúc đẩy đầu tư bền vững trong doanh nghiệp tư nhân, qua đó góp phần tăng cường sức cạnh tranh, giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu?

Để ESG trở thành “bà đỡ” thúc đẩy đầu tư bền vững trong doanh nghiệp tư nhân, điều doanh nghiệp mong muốn đó là môi trường chính trị và kinh doanh tích cực hơn.

Chúng tôi đề xuất tăng cường hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp để xây dựng các khung pháp luật và chính sách hỗ trợ. Ví dụ, tài chính xanh, nguồn tín dụng giá rẻ... cho các doanh nghiệp thực hành ESG nhằm khuyến khích họ đi nhanh hơn.

Ngoài ra, việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp đã và đang thực hành ESG cũng là một trong những yếu tố quan trọng để có thể lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển toàn diện và hiệu quả của ESG cho toàn thể cộng đồng doanh nghiệp.

-Trân trọng cảm ơn bà!