Trong làn sóng công nghệ internet, có một mô hình kinh doanh gọi là kinh doanh internet miễn phí. Nó xoay quanh cuộc sống hằng ngày của con người, tạo ra những lợi ích, sự giàu có và cả những mâu thuẫn, những vấn đề.

Có thể kể đến hàng loạt ví dụ. Chẳng hạn Google Tìm kiếm là miễn phí. Người dùng sẽ thỉnh thoảng nhấp vào một vài quảng cáo nào đó và để Google thu thập dữ liệu dùng cho việc nhắm mục tiêu quảng cáo. Hoặc năm 2009, Facebook nổi lên như một phương tiện kết bạn miễn phí, rồi sau đó mở đầu cho làn sóng quảng cáo trên mạng xã hội. Hay YouTube là một gã khổng lồ về video trực tuyến, với số lượng khổng lồ các video được tải lên dưới dạng miễn phí cho tất cả mọi người.

Tương lai AI trả phí

“Dịch vụ mạng” sắp hết thời miễn phí?

Hiện tại, thế giới chứng kiến sự bắt đầu của làn sóng công nghệ mới, đó là AI tạo sinh. Thế nhưng lần này sẽ có nhiều sản phẩm và dịch vụ không còn miễn phí như thời đại internet.

Dịch vụ trợ lý ảo bằng giọng nói Alexa của Amazon là một minh chứng tiêu biểu. Công nghệ này luôn được hỗ trợ miễn phí. Thế nhưng Amazon đang nghiên cứu một phiên bản cải tiến dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn mới. Người dùng muốn dùng Alexa hệ nâng cấp này sẽ phải trả một mức phí nhất định.

Ngay cả Google, bậc thầy về các dịch vụ trực tuyến miễn phí, cũng đang cân nhắc tính phí thuê bao cho một số sản phẩm AI mới của mình. CEO Sundar Pichai nhận định AI sẽ đem đến nhiều cơ hội để Google cải tiến dịch vụ Google Tìm kiếm và Trợ lý Google trong thập kỷ tới.

Trong một phát biểu hồi năm ngoái, ông chia sẻ: “Theo thời gian, chúng tôi sẽ tạo nên những hướng đi mới, giống như điều chúng tôi đã làm trên YouTube. Khi đó, nếu AI được áp dụng, thì việc phát triển các sản phẩm trả phí thuê bao là một hướng đi khả thi”.

Theo Engadget, phiên bản cao cấp của chatbot Bard do Google phát triển có thể là một dịch vụ trả phí thuê bao.

Hoặc Dave Limp, cựu giám đốc phần cứng và thiết bị của Amazon, tiết lộ rằng ông lớn này sẽ bắt đầu tính phí cho các phiên bản Alexa cao cấp hơn.

Tại sao các dịch vụ AI tạo sinh lại là loại có trả phí, dù thế giới chỉ mới ở giai đoạn đầu của công nghệ này?

Giải thích về vấn đề này, Oren Etzioni, chuyên gia AI và là người kỳ cựu trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, đưa ra một số nhận định.

Đầu tiên, với các dịch vụ hiện tại như Google Tìm kiếm, Facebook, WhatsApp, thì sản phẩm là miễn phí, nhưng đổi lại người dùng (cùng dữ liệu từ họ) lại trở thành sản phẩm để các dịch vụ này kiếm ra tiền.

Tiếp theo, các dịch vụ thời kỳ Internet đã bắt đầu xuất hiện gói trả phí, chẳng hạn Spotify hoặc YouTube Premium.

Và cuối cùng, việc phát triển và đào tạo AI tạo sinh tốn kém hơn rất nhiều (so với các dịch vụ kia) và có tiềm năng lớn hơn. Các GPU cần để phát triển AI tạo sinh có giá đến hàng nghìn đô mỗi chiếc, và số lượng cần thiết cũng lên đến hàng nghìn.

Quảng cáo có thể không còn hoạt động

“Dịch vụ mạng” sắp hết thời miễn phí?

Nhưng nếu vấn đề là chi phí, tại sao Google lại phát triển dịch vụ Tìm kiếm như một sản phẩm miễn phí (với quảng cáo kèm theo)? Dù cho để duy trì Tìm kiếm, Google vẫn phải đầu tư lớn vào trung tâm dữ liệu, các hệ thống và một loạt các thành phần đắt tiền khác.

Có một câu trả lời khả thi, đó là có thể trong thời đại AI tạo sinh, quảng cáo sẽ không còn đất diễn nữa.

Tiếp tục lấy Google Tìm kiếm là ví dụ. Thông thường, các kết quả tìm kiếm truyền thống thường có rất nhiều vị trí dành cho quảng cáo. Nhằm kiếm thêm nhiều lợi nhuận, Google đã tăng không gian dành cho quảng cáo để người dùng có thể nhấp vào.

Trong tương lai, nếu chatbot AI cung cấp những câu trả lời thẳng thắn, đi vào trọng tâm hơn, thì không gian dành cho quảng cáo sẽ bị thu hẹp. Hoặc trong viễn cảnh cực đoan, các AI tạo sinh tốt nhất sẽ đưa thẳng một câu trả lời duy nhất. Hay nói cách khác, lúc đó sẽ không còn quảng cáo nào để nhấp vào nữa.

Khi đó, để tiếp tục duy trì nguồn lợi nhuận khổng lồ, Google sẽ tính phí sử dụng cho các dịch vụ AI mới của mình, biến chúng thành cỗ máy kiếm tiền.

Áp lực lên Big Tech

“Dịch vụ mạng” sắp hết thời miễn phí?

Nhìn rộng hơn, Etzioni cho rằng lý do quan trọng nhất để các công ty tính phí dịch vụ AI là vì họ đang chịu áp lực chứng minh doanh thu tăng trưởng (trong bối cảnh quảng cáo chững lại) và tỷ suất lợi nhuận cao. Minh chứng rõ ràng nhất là các đợt sa thải hàng loạt gần đây của các công ty Big Tech. Khi đã siết chi phí nhân lực, họ sẽ phải tìm nguồn doanh thu mới.

Chắc chắn một điều rằng ngành công nghệ đang chứng kiến những lo ngại về vấn đề tăng trưởng. “Bộ 7 vĩ đại”, bao gồm Google, Apple, Amazon, Microsoft và Meta, ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu hằng năm là 15% từ 2013 đến 2019, và 18% trong năm 2021 và 2022. Thế nhưng nghiên cứu từ Goldman Sachs cho thấy tỷ lệ tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 11% mỗi năm trong giai đoạn từ 2023 đến 2025.

Mặc dù tăng trưởng có thể suy giảm, nhưng định giá của họ vẫn luôn cao chót vót, vượt hẳn so với phần còn lại của thị trường Mỹ. Hệ số giá trên thu nhập (P/E) của họ là 27, so với mức 17 của các công ty khác trong S&P 500.

Tăng trưởng chậm lại và định giá tương đối cao đồng nghĩa với việc Big Tech phải sử dụng các đòn bẩy khác để làm hài lòng các nhà đầu tư. Và như Etzioni phát biểu, đó có thể là đòn bẩy về lợi nhuận.

Khi đó, tính phí cho các dịch vụ AI là một cách để tạo thu nhập mới. Miễn là những sản phẩm này đủ tốt để người dùng chấp nhận bỏ tiền sử dụng.