Cơ hội mới cho ngành hàng không Việt Nam

13:24 - 10/10/2024

Với các công nghệ đột phát như icloud, big data, Iot và nhất là AI, con người đang kỳ vọng máy móc và công nghệ sẽ thay thế cho lao động trí óc của con người.

Cơ hội mới cho ngành hàng không Việt Nam

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng Không Việt Nam.

Đó là chia sẻ của ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng Không Việt Nam với phóng viên về cơ hội mới cho ngành hàng không Việt Nam nhìn từ những công nghệ mang tính đột phá bao gồm công nghệ AI.

- Ông đánh giá chuyển đổi số trong ngành hàng không đang được thực hiện thế nào?

Hiệu quả lớn nhất mà chuyển đổi số mang lại là tối ưu hoá hoạt động của ngành hàng không, bảo đảm an ninh, an toàn, giảm chi phí và tăng lợi nhuận bền vững cho các doanh nghiệp hàng không.
Chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ trong toàn Ngành bên cạnh công tác quản lý nhà nước của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) còn được thể hiện qua hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp trong Ngành cụ thể dưới đây.

Cơ hội mới cho ngành hàng không Việt Nam

Ngày hội Đổi mới Sáng tạo Sản xuất Hàng không vũ trụ & Quốc phòng lần đầu tổ chức tại Hà Nội

Những doanh nghiệp đang đi tiên phong phải kể đến như Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2022-2026, xây dựng Văn hóa số của Hãng hàng không với mục tiêu tới năm 2025 trở thành Hãng hàng không số; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã ban hành Kế hoạch khung thực hiện Chuyển đổi số trong công tác quản trị điều hành sản xuất giai đoạn năm 2024-2025 và đến năm 2030; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) từ năm 2023 đã triển khai tại 4 cảng hàng không khác là Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc, tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, vận hành thử nghiệm cổng kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động (Autogate) giúp hành khách thuận tiện làm thủ tục, rút ngắn thời gian so với kiểm tra thủ công. Đây là công nghệ lần đầu triển khai trên phạm vi rộng tại một số cảng hàng không lớn ở Việt Nam…

Cơ hội mới cho ngành hàng không Việt Nam

Hệ thống cổng tự động kiểm soát xuất nhập cảnh autogate đang được vận hành tại nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.

- Đâu là những thuận lợi và thách thức thưa ông?

Có thể nói, khi triển khai chuyển đổi số trong hoạt động hàng không dân dụng, cơ hội luôn đi cùng với thách thức. Về thuận lợi, có thể thấy, sự quan tâm của Đảng, Chính phủ về công tác chuyển đổi số trong ngành hàng không dân dụng thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, từ ưu tiên về vốn đầu tư, nhân lực, thể chế. Ngành hàng không dân dụng Việt Nam có được cơ hội thực sự, đó là quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của ngành trong nhiều năm; thể chế, quy định, quy trình và hoạt động đều được tối ưu hoá mạnh mẽ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; đó là nền tảng cơ bản để việc ứng dụng các công cụ số được triển khai thuận lợi và hiệu quả…

Về thách thức, tôi cho rằng cần có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy và nhận thức trong toàn ngành về chuyển đổi số. Các thành tựu khoa học công nghệ nói chung và chuyển đổi số nói riêng xuất hiện liên tục và không ngừng, nếu tư duy và nhận thức của nhà quản lý và của cán bộ, công nhân viên chức không thay đổi kịp và vượt trước sự thay đổi của khoa học công nghệ và chuyển đổi số, thì chính chúng ta sẽ bị cuốn theo.

Cơ hội mới cho ngành hàng không Việt Nam

Ứng dụng Vietnam Airlines ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng đòi hỏi ngày cang cao của khách hàng. Ảnh VNA

Tôi rất thích một câu ngạn ngữ ngày xưa, câu này rất phù hợp với nhiệm vụ chuyển đổi số của chúng tôi, đó là: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Trong dòng chảy của khoa học công nghệ và chuyển đổi số, thay đổi tư duy và nhận thức là thách thức lớn nhất.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cũng là thách thức rất rất lớn với ngành Hàng không dân dụng khi chúng ta tham gia kế hoạch giảm và bù đắp carbon đối với các chuyến bay quốc tế trong lĩnh vực hàng không dân dụng (CORSIA) và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

- Những công nghệ mang tính đột phá, bao gồm công nghệ AI đang mở ra những cơ hội mới gì cho ngành hàng không Việt Nam?

Nếu như đối với các cuộc cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0 và 3.0, công nghệ và trang thiết bị đã thay thế cho lao động chân tay của con người. Thì với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là với các công nghệ đột phát như icloud, big data, Iot và nhất là AI, con người đang kỳ vọng máy móc và công nghệ sẽ thay thế cho lao động trí óc của con người.

Trên thực tế, công nghệ này đang đóng vai trò quan trọng trong ngành hàng không và chúng ta có thể hình dung những cơ hội sẽ được mở ra theo một số xu hướng như sau:

Thứ nhất, quản lý đội tàu bay: Các hệ thống hỗ trợ AI có tiềm năng giúp các hãng hàng không giảm chi phí hoạt động và chi phí chung bằng cách tối ưu hóa đội bay và hoạt động. Ví dụ, sau khi áp dụng công nghệ AI nhằm mục đích cải thiện hiệu quả, Swiss International Airlines đã tiết kiệm được 5,4 triệu đô la vào năm 2022.

Mặt khác, các Hãng hàng không Việt Nam có thể sử dụng AI để dự báo chính xác hơn các kiểu gió thổi hoặc bằng cách giúp dự đoán tốt hơn các kiểu gió, hãng hàng không có thể cải thiện được tới 40% về độ chính xác, từ đó giúp giảm tình trạng chậm chuyến và hủy chuyến tại sân bay.

AI có thể được sử dụng để dự đoán chuyến bay về trễ. Mặc dù có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự chậm trễ của chuyến bay, chẳng hạn như điều kiện thời tiết và hoạt động tại các sân bay khác, việc áp dụng phân tích AI trong dự đoán có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích dữ liệu thời gian thực để giúp dự đoán các chuyến bay bị chậm, cập nhật thời gian khởi hành và thậm chí đặt lại chuyến bay của khách hàng.

Quản lý mức tiêu thụ nhiên liệu và khí thải tàu bay: Công nghệ AI giúp tối ưu hóa kế hoạch bay để giảm thiểu lượng nhiên liệu tiêu thụ bằng cách tránh thời tiết hoặc điều kiện thời tiết bất lợi.

Thứ hai, tối ưu hóa giá và quản lý doanh thu của các hãng hàng không: Các hãng hàng không mất tiền vì phải bay những chiếc máy bay chỉ lấp đầy một phần hai số chỗ ngồi. Tối ưu hóa giá thành bán vé tàu bay có thể sử dụng thuật toán máy học để tìm cách tăng doanh thu bán hàng theo nguyên tắc đảm bảo các chuyến bay được đặt chỗ tối ưu, đồng thời giảm nguy cơ đặt chỗ quá mức.

Thứ ba, tự động hóa quản lý vật tư, công cụ, dụng cụ tồn kho: Thuật toán AI giúp phân tích mô hình sử dụng và lịch trình bảo trì để có sẵn phụ tùng thay thế khi cần, giúp giảm chi phí quản lý, lưu trữ công cụ, dụng cụ tồn kho.

Thứ tư, xác định các sự cố tiềm ẩn của máy bay: Công nghệ AI trong bảo trì có thể giúp xác định các sự cố tiềm ẩn của máy bay trước khi chúng xảy ra, từ đó có thể giúp giảm chi phí bảo trì và gián đoạn chuyến bay.

Thứ năm, đơn giản hóa thủ tục làm thủ tục tại sân bay và thủ tục hành lý: Công nghệ nhận dạng khuôn mặt sử dụng AI có thể đẩy nhanh quy trình làm thủ tục, nhập cư và xử lý hành lý, giúp giảm chi phí lao động và tăng hiệu quả như đã trình bày ở trên.

Thứ sáu, tối ưu hóa lịch trình phi hành đoàn: Việc lập kế hoạch và danh sách phi hành đoàn sẽ tính đến một số yếu tố như số chuyến bay, số nhân sự dự phòng, lịch nghỉ phép, chuyển sân, quá cảnh và yêu cầu nghỉ ngơi. Thuật toán máy học có thể tự động hóa quy trình này bằng cách xem xét dữ liệu lịch sử để tối ưu hóa danh sách phi hành đoàn.

Thứ bảy, hợp lý hóa việc sửa chữa và lắp ráp các bộ phận: Các kỹ thuật viên bảo trì máy bay và trang thiết bị, phương tiện hàng không có thể cải thiện quy trình sửa chữa và lắp ráp, còn các kỹ sư có thể đẩy nhanh quá trình thiết kế/chứng nhận sản phẩm bằng cách sử dụng phần mềm AI và robot - bao gồm cả ChatGPT.

Thứ tám, dịch vụ khách hàng: Bằng cách sử dụng AI, các hãng hàng không đang cải thiện trải nghiệm chuyến bay của khách hàng bằng cách cung cấp dịch vụ được cá nhân hóa cho khách hàng của họ.

- Theo ông, cần thêm những cơ chế chính sách đột phá gì để thúc đẩy chuyển đổi số ngành hàng không, cũng như tăng cường ứng dụng những công nghệ mang tính đột phá thúc đẩy phát triển ngành trong thời gian tới?

Để tạo được những đột phá trong chính sách để chuyển đổi số trong ngành hàng không cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ mang tính đột phá trong giai đoạn tiếp theo, tôi cho rằng cần sửa đổi, bổ sung nội dung về công tác quản lý nhà nước tại Điều 8 Luật Hàng không dân dụng theo nguyên tắc bổ sung nội dung trách nhiệm quản lý nhà nước về chuyển đổi số chuyên ngành lĩnh vực hàng không dân dụng cho Bộ Giao thông vận tải để kịp thời ban hành, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ thị, hướng dẫn liên quan tới nhiệm vụ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Tiếp tục duy trì cơ chế tài chính đặc thù cho Cục HKVN để có thể thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao nói chung, trong đó có nguồn nhân lực về công nghệ thông tin để phục vụ hiệu quả cho nhiệm vụ chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo.

- Trân trọng cảm ông!

 
 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

LỊCH PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH

Thanh toán hóa đơn SCTV

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Không khoan nhượng - SCTV9 độc quyền và đồng thời với TVB

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Kết quả xổ số

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...