Để những “sếu đầu đàn” cất cánh, không chỉ cần thị trường, mà cần có "đường băng" chính sách đủ rộng, đủ dài và đủ bằng phẳng.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo để tiếp tục cho ý kiến, hoàn thiện thêm một bước dự thảo Đề án phát triển kinh tế tư nhân.
Bức tranh quý I/2025 phần nào lột tả rõ hơn điều đó khi đầu tư công vẫn là "bầu sữa chính" nuôi dưỡng nền kinh tế, trong khi khu vực kinh tế tư nhân với hơn 900.000 doanh nghiệp vẫn loay hoay với khó khăn về vốn, pháp lý, thủ tục và niềm tin.
Nhìn nhận rõ vai trò của kinh tế tư nhân, các chuyên gia kinh tế không chỉ đưa ra cảnh báo, mà còn đặt lên bàn Chính phủ một kỳ vọng lớn: thúc đẩy sự hình thành các tập đoàn tư nhân lớn, những "sếu đầu đàn" đủ sức dẫn dắt, lan tỏa, và thay thế đầu tư công trong vai trò động lực tăng trưởng trung và dài hạn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I năm nay, đầu tư từ khu vực tư nhân chỉ tăng 5,5%, một con số khiêm tốn nếu đặt trong bối cảnh kỳ vọng và tiềm lực thực sự của khu vực này. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục gia tăng, cho thấy môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều yếu tố cản trở. Trái lại, đầu tư công vẫn đóng vai trò “gánh đỡ” tăng trưởng kinh tế, với nhiều dự án trọng điểm được đẩy mạnh triển khai.
Tuy nhiên, như PGS.TS. Phạm Thế Anh đã thẳng thắn cảnh báo: "Nguồn lực đầu tư dài hạn phải đến từ khu vực tư nhân". Ông cho rằng, ngân sách nhà nước không thể gánh mãi vai trò đầu tư chủ lực, đặc biệt trong bối cảnh thu ngân sách gặp nhiều áp lực, còn nợ công cần được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, đầu tư công chỉ nên là vốn mồi khơi thông dòng vốn tư nhân, tạo ra niềm tin, cơ sở hạ tầng, và điều kiện để khu vực tư nhân “nhập cuộc”.
Khái niệm “sếu đầu đàn” không còn xa lạ với người làm chính sách. Đó là cách gọi hình tượng cho những tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô, năng lực, tầm nhìn chiến lược, đủ sức vươn ra quốc tế và kéo theo sự phát triển của chuỗi doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phía sau.
Nếu không có các “sếu đầu đàn” này, Việt Nam sẽ tiếp tục bị “chia nhỏ” nguồn lực, manh mún trong chiến lược đầu tư và không đủ sức cạnh tranh toàn cầu. Do đó, chúng ta cần nhìn vào bài học của Hàn Quốc với Samsung, LG hay Trung Quốc với Alibaba, Huawei… để thấy vai trò của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn là như thế nào trong việc kéo cả nền kinh tế đi lên.
Tuy nhiên, để những “sếu đầu đàn” cất cánh, không chỉ cần thị trường, mà cần có "đường băng" chính sách đủ rộng, đủ dài và đủ bằng phẳng. Nghĩa là nhà nước phải hỗ trợ thực chất, từ tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục, đến bảo vệ họ trước các rủi ro pháp lý không đáng có.
Không thể kỳ vọng khu vực tư nhân vươn mình mạnh mẽ khi họ vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc nhóm cao nhất khu vực, vẫn phải lặn lội trong hệ thống thủ tục hành chính rườm rà, vẫn bị chịu các chi phí không chính thức và rủi ro pháp lý tiềm ẩn. Những rào cản ấy khiến ngay cả những doanh nghiệp có ý định mở rộng đầu tư cũng phải chùn bước, còn những nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm đối tác nội địa lớn mạnh cũng cảm thấy thiếu sự bảo đảm.
Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, cải cách thể chế, đặc biệt là cải cách hành chính, minh bạch hóa chính sách và môi trường kinh doanh chính là chiếc chìa khóa vàng để kích hoạt dòng vốn tư nhân. Khi niềm tin được khơi dậy, tiền sẽ tự tìm đến nơi hiệu quả. Và chỉ khi ấy, đầu tư tư nhân mới thực sự phát huy vai trò là động lực then chốt của tăng trưởng bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh cam kết xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Trong nhiều phiên họp gần đây, Chính phủ liên tục đôn đốc việc đơn giản hóa thủ tục, rà soát các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, và yêu cầu các bộ ngành cải cách thực chất chứ không phải hình thức. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng điều quan trọng hơn cả là việc thực thi ở cấp địa phương, nơi doanh nghiệp thực sự tiếp xúc với chính sách.
Nếu các chỉ đạo cải cách được biến thành hành động cụ thể, đồng bộ từ trung ương đến cơ sở, cộng đồng doanh nghiệp chắc chắn sẽ cảm nhận được sự thay đổi. Và khi niềm tin quay trở lại, dòng vốn tư nhân sẽ chảy mạnh hơn vào sản xuất, hạ tầng, đổi mới công nghệ, những lĩnh vực then chốt giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và vươn lên.
Trong thời đại mà những nền kinh tế năng động nhất đều đặt khu vực tư nhân vào trung tâm chiến lược phát triển, Việt Nam không thể đi ngược lại xu hướng. Đã đến lúc đầu tư công “lùi lại một bước” để tư nhân tiến lên, với vai trò dẫn dắt của các “sếu đầu đàn”.
Nhưng để có những “sếu đầu đàn” không thể chỉ bằng hô hào, mà phải bằng hành động chính sách quyết liệt, môi trường đầu tư thuận lợi, và cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Bởi một nền kinh tế mạnh là nền kinh tế có khu vực tư nhân khỏe, không chỉ khỏe về quy mô mà cả về sức bật, sức cạnh tranh và sức lan tỏa.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...