Trước đó, theo Bộ Xây dựng, đến giữa năm 2023, cả nước có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc, chủ yếu là vướng mắc pháp lý. Trong đó, TP.HCM có 148 dự án bị vướng mắc pháp lý không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng. Những dự án gặp vướng mắc về pháp lý liên tục được các doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kêu gọi TP.HCM, các bộ ngành và Chính phủ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, nhằm giúp cho doanh nghiệp, cho thị trường sớm hồi phục sau một thời gian dài "đóng băng".
Cũng theo UBND TP.HCM, trong quý 3 có 3 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, gồm một dự án nhà ở xã hội. Có 37 dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản đang triển khai, 1 dự án được cấp phép, 4 dự án đã hoàn thành. Số lượng dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (bao gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội) là 4 dự án. Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng là 1.611 căn nhà.
Trước những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp, các dự án đang gặp phải, UBND TP.HCM đã giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là Tổ phó Tổ công tác, chủ trì giải quyết, tổng hợp đề xuất giải quyết định kỳ hàng quý đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP.HCM và nhóm dự án do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến, các dự án đầu tư khác trên địa bàn do các sở, ngành báo cáo đề xuất.
UBND TP.HCM cũng sẽ tiếp tục chủ trì, giao các sở, ngành đẩy mạnh rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình chấp hành quy định pháp luật để có hướng xử lý theo đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.