Tại dự thảo lần này, chỉ quy định tách thửa với 2 loại đất là đất nông nghiệp và đất ở. Diện tích tối thiểu tách thửa đối với đất trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp khác là 500m2. Đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất chăn nuôi tập trung là 1.000m2.
Đối với đất ở, quy định chia thành 3 khu vực với điều kiện diện tích tối thiểu và chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất.
Trong đó khu vực 1 gồm: các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú diện tích tối thiểu là 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 3m.
Khu vực 2 gồm: quận 7, 12, Bình Tân, TP.Thủ Đức và thị trấn các huyện diện tích tối thiểu là 50m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 4m.
Khu vực 3 gồm: các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ (ngoại trừ thị trấn) có diện tích tối thiểu là 80m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m.
Khi người dân tách thửa đất phải đảm bảo diện tích tối thiểu. Đồng thời việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý.
Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất hoặc hợp thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.
Như vậy, điểm mới trong dự thảo lần này so với trước đó là bỏ quy định ràng buộc liên quan đến quy hoạch. Bởi trong dự thảo trước quy định: để tách thửa đất quy hoạch là đất nông nghiệp, đất dân cư hiện hữu, đất dân cư hiện hữu chỉnh trang điều kiện là phải bảo đảm phù hợp quy hoạch tỉ lệ 1/2.000. Đối với đất ở quy hoạch dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp thì phải đáp ứng quy hoạch chi tiết 1/500.
Muốn tách để cho tặng cũng không được
Đáng nói là trong khi lấy ý kiến thì hoạt động tách thửa của người dân, kể cả tách thửa đất theo dạng thừa kế, cho tặng đều tắc nghẽn.
Anh Nguyễn Nghĩa (TP.Thủ Đức)kể, hồi đầu tháng 8.2024 anh đi nộp hồ sơ xin tách thửa khu đất trên phường Hiệp Bình Phước (TP.Thủ Đức) thành 3 miếng nhỏ để trao tặng cho hai người con theo dạng thừa kế. Tuy nhiên, hồ sơ của anh bị trả về, lý do thành phố chưa có quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa.
Anh Nguyễn Nghĩa không phải là trường hợp cá biệt, anh Tuân - người dân tại huyện Nhà Bè - cũng đã nộp hồ sơ xin tách 200m2 đất ở tại xã Phước Kiển làm đôi nhưng đến nay hồ sơ vẫn đang bị "treo" ở cơ quan chức năng. "Đã gần một tháng nay, hồ sơ của tôi không được giải quyết, trong khi tôi muốn tách thửa gấp lô đất trên để cho con tôi lập gia đình, xây nhà ra ở riêng", ông Tuân cho hay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày 1.8 đến nay, các hồ sơ về tách, hợp thửa đất trên địa bàn TP.HCM không thể thực hiện được. Tất cả đang bị "treo" ở chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, lãnh đạo một số chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở TP.HCM, cho biết, hồ sơ xin tách thửa của người dân nộp vào đến nay chưa được giải quyết do Quyết định 60 của TP.HCM về hạn mức tách thửa đã hết hiệu lực theo của quy định luật Đất đai 2024, trong khi quyết định hạn mức mới chưa có.
Chính vì vậy, cán bộ của chi nhánh phải thuyết phục người dân tạm thời chưa nộp hồ sơ tách, hợp thửa bởi lúng túng về cách giải quyết.
"Trước ngày 1.8, khi luật Đất đai 2024 có hiệu lực, việc giải quyết hồ sơ tách thửa, hợp thửa tại TP.HCM được giải quyết theo Quyết định 60/2017 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa. Tuy nhiên, khi luật Đất đai mới có hiệu lực thì Quyết định 60 theo cũng hết hiệu lực. Trong khi đến nay, thành phố vẫn chưa có quyết định điều chỉnh hoặc thay thế nên không có cơ sở để giải quyết hồ sơ cho người dân", vị này cho hay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ trước ngày 1.8, trừ những hồ sơ tách thửa không hình thành đường giao thông được giải quyết theo Quyết định 60, đối với các hồ sơ còn lại đã bị "tắc" từ hồi tháng 4.2021, sau văn bản đề nghị tạm ngừng tách thửa của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM. Từ đó đến nay, TP.HCM vẫn loay hoay lấy ý kiến sửa Quyết định 60 nhưng mãi không xong.
Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), nhận xét: Trong nhiều năm qua thành phố đã nhiều lần lấy ý kiến sửa Quyết định 60 về hạn mức tách, hợp thửa đất. Trong khi luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực hơn 1 tháng, quy định rất chi tiết các điều kiện, nguyên tắc tách, hợp thửa đất. Cụ thể, luật quy định 8 nguyên tắc, điều kiện về tách, hợp thửa đất. Ngoài ra, việc tách thửa còn phải đảm bảo một số điều kiện. Đầu tiên các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của UBND cấp tỉnh. Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề. Do vậy, thành phố cần nhanh chóng ban hành quy định mới để gỡ những ách tắc lâu nay.