Khảo sát của Báo Thanh Niên cho thấy những ngày qua, đặc biệt là vào các ngày cuối tuần, lượng hồ sơ nhà đất đổ về các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở TP.HCM tăng vọt.
Có mặt tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức vào sáng 27.9, chúng tôi chứng kiến rất đông người dân đến làm hồ sơ nhà đất. Ngay từ ngoài đường, ô tô đã đậu kín hai bên, phía trong bãi đậu xe máy cũng chật kín. Trong những quán cà phê xung quanh, người dân tập trung khá đông, vừa trao đổi thông tin vừa kê khai, chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết để nộp. Phía ngoài sân, người ngồi chờ ở các băng ghế đá khá đông còn bên trong quang cảnh náo nhiệt, "nóng hừng hực". Hầu như các ghế chờ đã không còn chỗ trống, chen chúc.
Một cán bộ tiếp nhận hồ sơ nơi đây nói với chúng tôi từ đầu tuần khi có thông tin TP cho đóng nghĩa vụ tài chính theo bảng giá đất hiện hành, người dân đã bắt đầu liên hệ để hỏi các thủ tục về nhà đất. Bước sang những ngày cuối tuần, số lượng hồ sơ đã tăng mạnh lên từng ngày. Cán bộ xử lý hồ sơ phải làm việc cật lực, không có thời gian nghỉ tay. Nhờ hồ sơ người dân cũng đã có sự chuẩn bị từ trước nên việc nộp và tiếp nhận hồ sơ được diễn ra nhanh chóng.
Theo thống kê từ Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP.Thủ Đức, trong ngày 24.9, lượng hồ sơ nộp về đây là 286 hồ sơ, đến ngày 25.9 lượng hồ sơ nộp về tăng lên 268 hồ sơ, ngày 26.9 là 295 hồ sơ và ngày 27.9 là 229 hồ sơ, tăng 70% so với tuần trước đó. Để giải quyết lượng hồ sơ tăng nhanh này, ông Trần Đình Quân, Giám đốc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh TP.Thủ Đức, đã có văn bản yêu cầu ban giám đốc, phụ trách chung các tổ chuyên môn triển khai đến toàn thể viên chức, người lao động tập trung giải quyết nhanh chóng, kịp thời, nhất là đối với hồ sơ tồn đọng do chưa thực hiện được nghĩa vụ tài chính. Đồng thời giao Tổ hành chính - tổng hợp tăng cường làm việc cả thứ bảy (28.9) nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân được nhận kết quả sau khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với khối lượng hồ sơ từ ngày 1.8 - 21.9.
Tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai H.Nhà Bè, hồ sơ nhà đất cũng đã bắt đầu tăng từ hôm qua (27.9) dù chưa quá "nóng". Lãnh đạo chi nhánh này thông tin đến ngày 26.9 khi các hồ sơ tính thuế chính thức được xử lý, người dân mới dám đi nộp hồ sơ. Tại Q.7, hồ sơ nhà đất trong một tuần nay tăng khoảng 30% so với tuần trước đó và chủ yếu là hồ sơ chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng đất.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả liên quan đến đất đai của UBND H.Hóc Môn, Củ Chi, Q.8, Q.Gò Vấp, Bình Chánh... đều khẳng định, những ngày gần đây chứng kiến cảnh tượng đông đúc, phần lớn người dân đến làm dịch vụ chuyển quyền sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Mong hồ sơ sớm được giải quyết
Khi có thông tin hồ sơ nhà đất được giải quyết trở lại theo quy định hiện hành, chị Hoài Thu (TP.Thủ Đức) đã nhanh chân đi làm thủ tục xin chuyển mục đích hơn 220 m2 đất trồng cây lâu năm sang đất thổ cư. Theo bảng giá đất hiện hành, khu vực đất của chị có giá khoảng 3,2 triệu đồng/m2. Nếu áp dụng theo dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, giá đất tăng lên hơn 10 triệu đồng/m2. "Vì thế khi có quyết định của TP, tôi đã gom tiền tiết kiệm, vay thêm tiền từ người thân để chuyển mục đích khu đất trên lên đất ở. Nếu hồ sơ được giải quyết, tiền sử dụng đất tôi phải đóng sẽ giảm đi rất nhiều", chị Hoài Thu cho biết.
Vợ chồng anh Trường Sơn ở Q.12 cũng đang xoay xở để làm hồ sơ xin chuyển 84 m2 đất nông nghiệp ở P.Tân Thới Hiệp lên đất ở để được tính giá hiện tại là 120 - 130 triệu đồng tiền sử dụng đất. Bởi nếu tính theo dự thảo bảng giá đất mới thì tiền sử dụng đất phải đóng lên 1,8 tỉ đồng. Theo anh Trường Sơn, người dân đổ xô đi làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất vì lo giá đất tăng cao trong thời gian tới. Để có tiền đóng tiền sử dụng đất, anh phải gấp rút tìm hiểu, vay mượn tiền nóng bên ngoài với lãi suất 3%/tháng. "Nhưng nếu không làm nhanh, khi TP áp mức giá mới thì số tiền phải đóng sẽ còn cao hơn nhiều, thiệt hại hơn nhiều", anh tính toán.
Tương tự, ông Viết Thuận có khoảng 1.000 m2 đất nông nghiệp ở H.Củ Chi hiện đang cho người thân mượn sổ đỏ cầm cố vay ngân hàng cũng yêu cầu tất toán, trả nợ trước hạn để lấy sổ đỏ đi chuyển mục đích sử dụng lên đất ở kịp áp dụng theo bảng giá đất hiện hành. "Lâu nay tôi cũng tính chuyển mục đích khu đất trên nhưng không tập trung lắm. Nay trước thông tin TP sẽ sửa đổi bảng giá đất theo hướng tăng rất nhiều nên tôi đã bàn với gia đình lấy sổ đỏ về để đi chuyển đổi sớm. Làm sớm ngày nào, lợi ngày đó", ông Thuận cho biết.
Bên cạnh những người đi chuyển đổi mục đích, còn có rất nhiều người chạy đua đi "tất toán nợ" với nhà nước do nhiều năm trước đã làm chuyển đổi nhưng khó khăn về tài chính nên ghi nợ tiền sử dụng đất. Nếu không nộp sớm sẽ khiến số tiền bị "đội" lên gấp nhiều chục lần.
Ông Nguyễn Minh Chánh, Phó chủ tịch UBND Q.12, xác nhận: Sau khi UBND TP có văn bản cho người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính theo bảng giá đất và hệ số K hiện hành thì đã diễn ra tình trạng chạy đua đi nộp hồ sơ để kịp đóng tiền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân, các loại phí theo bảng giá đất theo Quyết định 02/2020.
Dự báo trong thời gian tới, tình trạng kéo nhau đi làm hồ sơ thủ tục nhà đất vẫn sẽ còn tăng mạnh. Bởi không chỉ phập phồng lo TP áp dụng bảng giá đất mới thì năm sau theo quy định của luật Đất đai 2024, bảng giá đất sẽ tiệm cận giá thị trường. Bộ Xây dựng mới có báo cáo Chính phủ cho biết việc này đã và sẽ làm tăng giá nhà đất, thiết lập một mặt bằng giá mới trên thị trường.
Có một vấn đề phát sinh là các hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu nộp từ ngày 1.8 đến nay chưa giải quyết được do TP chưa có hướng dẫn và chưa có phôi phân bổ về quận, huyện. Không những thế các nghị định hướng dẫn vẫn chưa có. Hiện tại Q.12 hồ sơ cấp giấy chứng nhận lần đầu đang bị "tắc" khoảng 100 hồ sơ. Nếu không có hướng dẫn kịp thời, trong thời gian tới UBND Q.12 sẽ phải trả lại hồ sơ cho người dân để chờ hướng dẫn.
Ông Nguyễn Minh Chánh, Phó chủ tịch UBND Q.12