Trong số đó có luật Xây dựng 2014 đã được sửa đổi 2 lần. Lần đầu tại điều 28 luật Sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch 2018 đã sửa đổi hầu hết các điều, khoản tại "Chương II. Quy hoạch xây dựng" của luật Xây dựng 2014. Lần thứ hai tại luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Xây dựng 2020 đã sửa đổi 65 điều, khoản của luật Xây dựng 2014.
Qua 14 năm thực hiện thì đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế mà điển hình là quy định tại "Chương II. Quy hoạch xây dựng" luật Xây dựng 2014 đã trùng lặp với các quy định về quy hoạch của luật Quy hoạch đô thị 2009. Nhất là trong bối cảnh Quốc hội đã ban hành luật Quy hoạch 2017, luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch 2018 và đang xem xét đề án luật Quy hoạch đô thị, nông thôn nên rất cần thiết phải sửa đổi luật Xây dựng 2014 theo hướng tách phần quy hoạch xây dựng ra khỏi luật xây dựng để tích hợp vào đề án luật Quy hoạch đô thị, nông thôn để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với luật Quy hoạch.
Luật Xây dựng cần tăng cường phân cấp, giao quyền nhiều hơn nữa cho các địa phương trong công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng từ khâu thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (nếu thuộc trường hợp phải thẩm định), cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành công trình thi công. Điều này giúp giảm bớt tình trạng tập trung nhiều quyền về các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng. Để Bộ Xây dựng tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước ngành xây dựng bao gồm đô thị, nhà ở và thị trường bất động sản như ban hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng quốc gia. Trong đó có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng quốc gia về đơn vị ở hoặc tiêu chuẩn về gạch không nung, cát nhân tạo, công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu tái tạo, thân thiện môi trường hoặc suất đầu tư xây dựng…
Đề xuất của HoREA cũng xuất phát từ thực tế là cơ quan Bộ Xây dựng chỉ có khoảng 300 biên chế. Trong đó cơ quan chuyên môn cấp cục cũng chỉ có khoảng vài chục biên chế trong lúc hàng năm trung bình có khoảng 800 hồ sơ dự án phải trình lên Bộ Xây dựng để thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc hàng năm Bộ Xây dựng phải "vất vả" tổ chức nhiều đoàn công tác để kiểm tra công tác nghiệm thu công trình của chủ đầu tư trong quá trình thi công và khi hoàn thành công trình thi công tại các địa phương trong cả nước.
Cũng theo HoREA, một số quy định của luật Xây dựng 2014 đã dẫn đến tình trạng tập trung nhiều quyền về các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng mà chưa đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền cho các địa phương.
Điển hình là 2 nhóm quy định bất cập của quy định về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng và bất cập về quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức, kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư. Khi tất cả các dự án dân dụng bao gồm dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có công trình cấp đặc biệt và cấp 1 đều "được" cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu 4 lần trong quá trình thi công và nghiệm thu hoàn thành công trình, mà công trình cấp 1 chiếm đa số tại các đô thị.