Làm sao bạn có thể nhận ra những dấu hiệu cho thấy lượng đường tiêu thụ đang vượt khỏi tầm kiểm soát? Các chuyên gia có những khuyến cáo cụ thể cho tình trạng này.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mỗi người chỉ nên ăn tối đa 50 gram (khoảng 12 thìa cà phê), nhưng tốt nhất là không nên ăn quá 25 gram (khoảng sáu thìa cà phê) đường mỗi ngày. Việc khó khăn đối với kiểm soát lượng đường tiêu thụ đó là vì đường có ở khắp nơi, trong rất nhiều sản phẩm sử dụng thường ngày. Đường thường xuất hiện trong danh sách thành phần dưới nhiều tên gọi khác nhau, khiến việc nhận biết hàm lượng đường thực tế của sản phẩm trở nên khó khăn.
Ước tính một lon Coca-Cola có khoảng 10 thìa đường. Nhưng ngay cả những thực phẩm được cho là lành mạnh như một hộp sữa chua cũng có thể chứa hơn ba thìa đường. Hầu hết chúng ta tiêu thụ ít nhất gấp hai hoặc thậm chí gấp bốn lần lượng đường được khuyến nghị. Không phải loại đường nào cũng xấu, chẳng hạn như đường tự nhiên từ các loại hoa quả mang đến nhiều lợi ích. Mặc dù vậy, không có nghĩa là chúng ta có thể thoải mái sử dụng mà không cần cân nhắc về liều lượng cho phù hợp.
Quan tâm đến lượng đường tiêu thụ của cơ thể là việc nên làm để kiểm soát đường máu, cải thiện tình trạng sức khỏe, cân nặng…
Tiêu thụ quá nhiều đường mang lại nhiều tác hại cho cơ thể. Ảnh: WSJ
Lela Ahlemann – một chuyên gia về da liễu, tĩnh mạch học, hậu môn học và y học dinh dưỡng – chia sẻ về những dấu hiệu cảnh báo có thể xảy ra khi ăn quá nhiều đường.
– Luôn cảm thấy đói: Đường làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng nhưng lại không có tác dụng lâu dài do thiếu chất xơ. Càng ăn các loại thực phẩm chứa nhiều đường càng dễ cảm thấy đói và muốn ăn nữa. Điều này tạo nên vòng lặp bất lợi cho sức khỏe, gây tăng cân, béo phì. Bên cạnh cảm giác thèm ăn, có người còn gặp phải các vấn đề về thay đổi tâm trạng, dễ buồn bã, bực dọc, khó chịu khi tiêu thụ quá nhiều đường.
– Gia tăng mụn trứng cá: Tiến sĩ Ahlemann cho biết: “Khi chúng ta nạp đường vào cơ thể, không chỉ mức insulin tăng lên mà còn có một loại hormone trong máu kích thích các tuyến bã nhờn và sừng hóa quá mức ở vùng tuyến bã nhờn, gây tắc nghẽn, từ đó mụn và tình trạng viêm có thể hình thành”. Vì thế, một trong những cách phổ biến để điều trị mụn trứng cá đó là giảm lượng đường tiêu thụ.
– Da thiếu sức sống: Lượng đường quá nhiều làm cho chất lượng collagen giảm sút. Khi già đi, cơ thể sản xuất collagen ít hơn và chất lượng thấp hơn. Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy là làn da trở nên kém săn chắc và mềm mại. Những dấu hiệu trên cũng thấy ở người sử dụng quá nhiều đường.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...