Ghé Di tích Cầu ngói Thanh Toàn mùa Festival Huế, được hoà mình vào Lễ hội “Chợ quê ngày hội” với nhiều hoạt động văn hoá là một trải nghiệm đáng nhớ của mỗi du khách.
“Chợ quê ngày hội” là chương trình văn hoá tổng hợp hưởng ứng Festival Huế hằng năm, được tổ chức tại xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế. Với các hoạt động đa dạng, diễn ra nhộn nhịp tại Di tích quốc gia Cầu ngói Thanh Toàn, Lễ hội thu hút đông đảo du khách tham gia và trải nghiệm.
Di tích Cầu ngói Thanh Toàn.
Cầu ngói Thanh Toàn độc đáo với nơi nghỉ chân của dân làng và du khách.
Cuối tháng 6 vừa qua, du khách đổ về Cầu ngói Thanh Toàn để tham gia “Chợ quê ngày hội” Festival Huế 2024 với các hoạt động giao lưu, mua bán hàng nông sản, các sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu đặc trưng của địa phương; tham quan trải nghiệm phong cảnh làng quê, các di tích lịch sử cấp quốc gia; thưởng thức các món ăn dân dã, mộc mạc; hòa mình vào trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động tái diễn đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp ở nông thôn do người dân địa phương thực hiện.
Đa dạng ẩm thực địa phương được bày bán ở Lễ hội.
Ông Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thuỷ Thanh cho biết: “Trong 4 ngày diễn ra Lễ hội, “Chợ quê ngày hội” thu hút trên 200 ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế. Bởi bên cạnh những hoạt động truyền thống lâu nay, Lễ hội lần này còn có các hoạt động phong phú như hội chợ thương mại, triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nông sản, làng nghề và sản phẩm OCOP; Triển lãm ảnh “Nét đẹp chợ quê”, “Cầu Ngói Thanh Toàn”; Lễ cung nghinh hương linh và Trần Thị Đạo; Giao lưu hò bài chòi của các trường học; Tuần hành áo dài trên đường quê bằng xe đạp, giao lưu dân vũ và trình diễn áo dài,...”
Không gian giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Một số ảnh về Cầu ngói Thanh Toàn ở Triển lãm Lễ hội.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, hai hoạt động thu hút mọi người nhất trong mỗi dịp lễ hội ở Cầu ngói Thanh Toàn là hội bài chòi và đua ghe câu trên sông Như Ý.
Hội bài chòi từ lâu đã trở thành thương hiệu. Mỗi dịp tết đến xuân về hay lễ hội quê, đây là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con Thuỷ Thanh. Bài chòi thu hút du khách thập phương tham gia trải nghiệm bởi nét văn hoá bản địa của vùng Trung bộ Việt Nam, trải dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận (không gồm các tỉnh Tây Nguyên) mới có. Bài chòi là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Vì thế nên bài chòi thường chơi rất thú vị trong tiếng trống dồn vang và giọng hò dí dỏm của “anh hiệu” (người quản trò).
Hội bài chòi thường được bố trí sum vầy thành hình chữ nhật với khoảng 10 chòi con và 1 chòi trung tâm. Trên cây bài chòi, người ta in nhiều hình tượng khác nhau theo lối mộc bản. Mỗi người chơi (chòi con) được phát 5 quân bài, riêng chòi trung tâm được phát 6 quân bài. Người chơi sau khi nhận quân bài, lắng nghe “anh hiệu” rút tìm quân bài và hô tên, chòi nào có đúng con bài đó sẽ hô đáp lại. Độc đáo ở cách hô của người quản trò là những bài hò, ca, vè rất gần gũi, vui nhộn, chòi con sẽ đáp thắng bằng cách gõ vào thành chòi để phát ra âm thanh báo hiệu. Khi chòi con nào ăn đủ cả ba cặp quân bài trước thì gõ liên hồi hô "tới" và được tặng cờ, thưởng tiền.
Hội bài chòi tổ chức ở Thanh Toàn luôn đông vui, nhộn nhịp.
Lần đầu tiên chứng kiến một lễ hội làng quê với các hội đặc biệt này, bạn Dương Khánh Ngọc (23 tuổi, Đà Nẵng) bày tỏ sự háo hức của mình: “Em đã về đây từ sớm để tham gia lễ hội, chụp ảnh với Cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng. Ở đây có nhiều hoạt động thú vị lắm. Em thích được xem bài chòi, nghe các cô dì hò, vè. Những lời hò vè rất vui tai. Em thích không khí nộp nhịp này, và thích cả cảm giác ngồi trên cầu ngói xem đua ghe câu ngoài kia”.
Ở Cầu ngói Thanh Toàn, đua ghe câu chủ yếu mang tính trình diễn nhằm mang đến niềm vui cho khán giả. Khác với những hội đua ghe thông thường, số vận động viên trên một ghe đua ở hội đua ghe câu truyền thống Thuỷ Thanh chỉ là đơn hay đôi nam, nữ đi kèm với chầm ngắn, dài hay bơi bằng tay. Do đó, sự cạnh tranh nhất định, không đáng kể mà chỉ chú ý đến sự khéo léo, bền bỉ và giữ thăng bằng trên ghe của các vận động viên.
Đua ghe câu trên sông Như Ý, đoạn Cầu ngói Thanh Toàn.
Điều độc đáo chỉ riêng hội đua ghe câu ở vùng Thuỷ Thanh mới có chính là từ những “khán đài cổ vũ”. Người dân và du khách tập trung quanh con hói nhỏ đoạn sông Như Ý, họ ngồi, đứng dọc hai bên và cả trên Cầu ngói Thanh Toàn để theo dõi. Mỗi mùa lễ hội, tiếng reo hò cùng những trận cười sảng khoái vang vọng khắp Cầu ngói Thanh Toàn bởi hội đua ghe câu.
Lễ hội ở Cầu ngói Thanh Toàn là niềm vinh dự và tự hào của người dân vùng Thủy Thanh. Bởi mỗi dịp như “Chợ quê ngày hội”, Thuỷ Thanh lại vui như Tết. Thuỷ Thanh, Hương Thuỷ nói riêng và xứ Huế nói chung đã mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ thông qua những hoạt động “rất Huế” mỗi mùa lễ hội. Đây là dịp để giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của người dân Cố đô.
Đông đảo du khách check - in tại Lễ hội “Chợ quê ngày hội” - Cầu ngói Thanh Toàn
Cầu ngói Thanh Toàn cổ kính, bình yên bên dòng sông Như Ý thơ mộng luôn sẵn sàng chào đón bạn bè phương xa ghé thăm, nghỉ chân và “sống” trong những ngày tháng rộn rã mùa lễ hội làng quê xứ Huế. Cái không khí rạo rực mà dân dã đến lạ. Một chút ẩm thực đồng quê thơm ngon; một chút nhộn nhịp từ trò chơi dân gian bịt mắt đập om, bắt vịt trên sông, đi qua cầu khỉ,...; một chút trải nghiệm xay lúa, giã gạo, giần, sàn; một chút hò reo nơi hội đua ghe câu hay một chút đắm chìm trong điệu hò, vè nơi hội bài chòi;... Những điều tưởng một chút ấy lại lưu luyến du khách khi đã một lần ghé về Cầu ngói Thanh Toàn mùa lễ hội.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...