Bern là thủ đô Liên bang Thụy Sỹ, tọa lạc bên đôi bờ sông Aare là thủ phủ của bang cùng tên với số dân 124.420 người, đứng hàng thứ 4 của Thụy Sỹ. Dân số rất ít, so với số dân Liên bang là 7,3 triệu người. Trên thực tế đất nước Thụy Sỹ không có thủ đô chính thức, sở dĩ Bern được gọi là thủ đô vì thành phố là nơi đặt trụ sở của Nghị viện và Chính phủ Liên bang.
Từ xa xưa, nước sông Aare chảy xiết làm xói mòn, đục khoét vào bờ, tạo nên một công sự tự nhiên tại một khúc cong của dòng sông và cũng do nạn hỏa hoạn thường xuyên đe dọa, khiến người ta phải xây dựng một thành trì khá kiên cố bằng đá bọc bao quanh. Hơn nữa chính nhờ sự thận trọng đề phòng cần thiết này của người dân Thụy Sỹ, mà đã giữ cho thành phố Bern không hề bị cướp phá, hủy hoại trong suốt 8 thế kỷ qua.
Bern là một vùng núi bán đảo, được Công tước Berthold xây dựng công sự vào năm 1191, trên một ngọn đồi khá cao để kiểm soát việc qua lại của các tàu thuyền buôn bán trên sông Aare.
Bên dòng sông Aare.
Berthold đã đặt tên cho thành phố là Bern, vì theo truyền thuyết từ “bern” có âm thanh gần giống từ Baekren trong tiếng Đức, có nghĩa là “con gấu”. Gấu trở thành một linh vật tượng trưng cho thủ đô Bern và mang lại nhiều điều tốt lành, hạnh phúc cho thành phố. Hình chú gấu được in lên lá cờ, phù hiệu biểu trưng cho thành phố Bern và được khắc trang trí trên chuông đồng và đài phun nước bằng đá. Gấu một động vật được du khách yêu mến, chiều chuộng và cho ăn uống, chăm sóc suốt 500 năm qua trong các hang gấu hiện có ở thành phố.
Bern là một thành phố tự do. Khi Berthold qua đời, không có người thừa kế, tuy vậy, Bern vẫn được mở mang với những phố xá rộng rãi hơn trải dài dọc theo theo mũi đất nhô ra biển, có dòng sông Aare bao bọc theo một hướng duy nhất, đẩy lùi bức tường thành có tháp canh được xây từ ngày Bern mới thành lập vào sâu phía bên trong. Nghĩa là thành phố Bern ngày nay mở rộng là nhờ sự bồi đắp của dòng sông Aare.
Năm 1291, ba bang miền Đông nước Áo, trong đó có thành phố Bern, tách ra độc lập. Năm 1353, Bern lúc đó là một bang quan trọng sáp nhập vào Liên bang Thụy Sỹ.
Một góc thành phố Bern.
Nửa thế kỷ sau khi sáp nhập vào Liên bang Thụy Sỹ, nhà cửa thành phố đều xây bằng gỗ đã bị thiêu hủy sau một trận hỏa hoạn nghiêm trọng, toàn thành phố chỉ còn lại một vài ngọn tháp bị cháy nham nhở. Trên nền đất cũ của đống tro tàn, những người dân thành phố bắt đầu xây dựng lại những ngôi nhà cao tầng bằng gạch ngói, nhiều con đường được lát đá, bên trên xây những mái vòm, nhờ thế mà nhân dân, những thương nhân, thợ thủ công sống ở thành phố yên tâm làm ăn, sản xuất, buôn bán phát đạt và an toàn trong mọi thời tiết.
Để làm cho thành phố trở nên sinh động, tránh sự đơn điệu, thành phố Bern được các vị cha cố cho xây dựng nhiều đài phun nước bằng đá hoa cương được chạm khắc tinh vi, hoa mỹ. Trên mỗi đài phun nước có tạc tượng thần công lý, bịt mắt cầm chiếc cân, trên đầu các vị đội quyền trượng kiêu hãnh đầy sức mạnh thời trung cổ, đó là: Giáo hoàng, Hoàng đế Đức, nhà vua Thổ Nhĩ Kỳ và Thị trưởng thành phố Bern.
Giờ đây, ở Bern phố xá rộng rãi hơn nhiều, nhưng dân số không đông lắm, nước dùng sinh hoạt thừa thãi, phục vụ tốt cho dân chúng.
Trong nhiều thế kỷ qua, Bern không ngừng phát triển, nhưng thành phố vẫn giữ được nét cổ xưa, mọi thứ đều không bị lạc hậu, vẫn được dùng hợp lý, không hề phải cải tiền gì, hoặc phải phá bỏ làm lại, mà chỉ cần chỉnh trang đôi chút cho hợp thời.
Năm 1779, nhà đại văn hào Goethe (1749 – 1832), người Đức, khi đến thăm thành phố Bern đã viết: “Đó là một thành phố sạch sẽ, đẹp nhất tôi từng thấy”.
Napoléon, một nhà quân sự Pháp ít cảm thụ hơn với một vẻ đẹp hấp dẫn của thành phố, chỉ lưu lại ở thủ đô Bern không quá nửa tiếng đồng hồ, trước khi ông ký quyết định sát nhập thành phố này vào đế chế của ông, bởi thành phố đã có sức cuốn hút ông ghê gớm.
Ngày nay, các vùng ngoại ô sang trọng, hiện đại nằm ở phía bên kia những chiếc cầu thành phố. Còn những khu trung tâm cổ kính của thành phố vẫn là nơi giữ mối quan hệ chung ràng buộc những công dân của một dân tộc nói nhiều thứ tiếng lại với nhau, có cùng truyền thống, sự kiên cường và một vẻ đẹp ngăn nắp, trật tự, sạch sẽ.
Bern, thành phố thủ đô, niềm tự hào của người dân Thụy Sỹ, với những công trình kiến trúc cổ, tọa lạc bên dòng sông Aare thơ mộng, vẫn được giữ gìn bảo tồn đến hôm nay. Chính vì vậy mà thành phố cổ Bern được UNESCO ghi vào danh sách di sản văn hóa thế giới năm 1983. Trong đó đáng chú ý nhất là khu phố cổ. Tọa lạc ở đây là những mái vòm đặc trưng của các cửa hàng và quán cà phê. Hơn nữa, khu phố cổ còn nổi bật với những con đường lát đá, như đưa du khách ngược thời gian trở về hàng ngàn năm trước.
Tại đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng tòa nhà Nghị viện Thụy Sỹ được xây dựng năm 1848, tọa lạc tại thung lũng sông Aare, nổi bật với mặt tiền có hai màu chủ đạo trắng và xanh, kiến trúc theo phong cách Phục hưng.
Bern được bao quanh bởi sông Aare.
Sẽ là một thiếu sót, khi đặt chân đến Bern mà không ghé thăm tháp đồng hồ Zytglogge, được khởi dựng cùng với thành phố và được xem là niềm tự hào của của đất nước Thụy Sỹ. Tháp đồng hồ cao 50 mét, đứng lừng lững hiên ngang trên đại lộ Marktgasse. Và cứ đến 12 giờ trưa, mọi du khách đều dồn về dưới chân tháp để được nghe tiếng chuông vang vọng từ đây. Đã hơn 800 tuổi, thế nhưng kim đồng hồ chưa sai một phần nghìn giây.
Cách tháp đồng hồ không xa là cầu Unterfor Brucke, bắc qua sông Aare nối liền hai bờ thành phố của Bern, được ví von là là nơi nối liền cổ xưa và hiện tại của Bern. Đứng trên cầu, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu phố cổ và dòng sông Aare.
Tạm biệt Bern, chắc chắn mọi người không thể nào quên tháp nhà thờ Bern, cao nhất Thụy Sỹ. Công trình được xây dựng năm 1421, nhưng phải mãi đến năm 1893 mới hoàn thành. Kiến trúc nhà thờ theo phong cách Gothic thời trung cổ.
Biểu trưng của thủ đô Bern là chú gấu, nên nhắc đến Bern, ta không thể không nói đến Công viên Gấu (Baeren Park), được xây dựng năm 1441, với quy mô rất lớn.
Và điều thú vị nhất, khi đến Bern được tham quan ngôi nhà của Albert Einstein, đại học giả của lý thuyết tương đối. Ông đã từng sông tại đây và cũng tại đây ông cho ra đời “Thuyết Tương đối”, làm thay đổi toàn bộ nền khoa học của nhân loại.